佛山* Buddha Mountain * Phật Sơn

Calgary Alberta Canada

[中文ENGLISH]

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH ]

 

KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền.

QUYỂN 15

Phẩm 65: THÂN CẬN

Trời Đế Thích nghĩ: “Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật và mười tám pháp Bất cộng, còn siêu việt hơn tất cả chúng sinh, huống chi khi thành Vô thượng Bồ-đề. Đối với những người phát tâm học trí Nhất thiết, lợi ích và tuổi thọ của họ còn hơn hẳn mọi người, huống chi người phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vì vậy, những người chưa phát tâm phải thân cận vị ấy.” Nghĩ thế, Đế Thích tung hoa Mạn-đà-la lên cúng dường Phật rồi nguyện: Nếu người nào phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì xin cho tôi được những nguyện ước như thành tựu trí Nhất thiết; pháp Tự nhiên; pháp vô lậu.

Đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo tâm nguyện của con, bậc phát tâm Vô thượng Bồ-đề thì không còn muốn trở lại quả vị A-la-hán hoặc Bích-chi-phật. Ngược lại, vị ấy nên an trụ ở Đại thừa. Hơn thế nữa, vị ấy làm phát triển hạnh nguyện bằng cách thấy những người chịu khổ trong ba cõi tạo điều kiện giúp đỡ cho họ. Có như thế mới gọi là tâm nguyện Bồ-tát. Nguyện rằng: Chúng ta phải sống tương quan tương trợ như: Người được độ rồi độ cho người chưa được độ; mình đã được an giúp người chưa an; mình đã Niết-bàn rồi độ cho người đều chứng Niết-bàn.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ hoan hỷ với người mới phát tâm Bồ-tát sẽ được bao nhiêu phước? Hoan hỷ với người phát tâm đã lâu được bao nhiêu phước? Hoan hỷ với bậc không thoái chuyển được bao nhiêu phước? Và hoan hỷ với bậc Nhất sinh bổ xứ được bao nhiêu phước?

Phật bảo Đế Thích:

–Này Câu-dực! Người ở trong thiên hạ còn có thể tính lường để biết, còn phước của người tùy hỷ không thể tính lường biết được.

Này Câu-dực! Ví như lấy nước biển cả khắp ba ngàn thế giới rồi phân ra theo đơn vị giọt nước trên một phần trăm của sợi tóc, số giọt nước kia còn có thể tính hết còn phước đức của người tùy hỷ không thể nào tính lường được.

Này Câu-dực! Dùng hộc, đấu, thăng đong lường hết cảnh giới hư không trong a-tăng-kỳ cõi Phật thì còn có thể biết số lượng, nhưng không thể lường được công đức tùy hỷ kia.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những người không phát tâm hoan hỷ với Bồ-tát mới phát tâm, vì họ là quyến thuộc của ma, từ cõi ma đi đến. Vì sao? Vì người hoan hỷ với Bồ-tát phát tâm là phá hoại ma. Người nào muốn luôn luôn quy kính ngôi Tam bảo không lệ thuộc vào một tướng, hai tướng thì phải hoan hỷ với người cầu Vô thượng Bồ-đề.

Phật nói:

–Đúng vậy, này Câu-dực! Người phát tâm tùy hỷ ấy được đến cúng dường chư Phật ở các cõi. Vì sao? Vì số người mới phát tâm đều tạo công đức tùy hỷ. Kể từ khi mới phát tâm Bồ-tát cho đến hàng Thập trụ hay Chánh đẳng giác thì việc tạo công đức của nghiệp thiện cũng bắt đầu tùy hỷ, nhờ công đức này nên vị ấy sớm gần đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Thành tựu quả vị ấy rồi, Bồ-tát sẽ độ vô số chúng sinh.

Này Câu-dực! Vì thế thiện nam, tín nữ mới phát tâm nên đem công đức hoan hỷ để hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, cho đến những bậc không thoái chuyển và Nhất sinh bổ xứ cũng thế. Nhưng vị ấy không cầu bằng tâm mà cũng không rời tâm.

Tu-bồ-đề thưa:

–Tâm như huyễn thì làm sao đạt được Vô thượng Bồ-đề?

Phật dạy:

–Thế nào, ông có thấy tâm như huyễn không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không! Bạch Thế Tôn, con không thấy tâm như huyễn, cũng không thấy chẳng phải huyễn.

Phật hỏi:

–Cũng không có pháp để thấy tâm ấy chăng? Và cũng không thấy huyễn gắn liền tâm, thấy như thế gọi là pháp thành Vô thượng Bồ-đề?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ không! Bạch Thế Tôn, cũng không có pháp có thể nắm giữ, huống chi có phát sinh pháp có, pháp không. Pháp môn rỗng vắng không thể nắm bắt, cũng không thể không. Nếu cho rằng pháp thường tịch không thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì không có gì để thành tựu quả vị ấy.

Bạch Thế Tôn! Vì tất cả pháp không thể nắm bắt cũng không có. Bạch Thế Tôn, sáu pháp Ba-la-mật và đạo thường rỗng lặng nên thành tựu Vô thượng Bồ-đề, nhưng đạo quả ấy cũng thường rỗng lặng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật và Vô thượng Bồ-đề đều thường rỗng lặng thì làm thế nào để giác ngộ?

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Trí Nhất thiết rỗng lặng nên Vô thượng Bồ-đề cũng rỗng lặng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết không tịch tĩnh thì không phải Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề! Thế nên, sự có mặt của Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết được hiểu như vầy, không phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật mà cũng không phải rời nó thành tựu Chánh giác. Nếu thiếu Bát-nhã ba-la-mật thì hoàn toàn không thành quả vị ấy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế là sự hành đạo của Bồ-tát thật sâu xa.

Phật đáp:

–Đúng như lời ông nói, sự thể nhập của Bồ-tát rất là khó nhọc

và sâu xa. Tuy chịu khổ nhọc nhưng không chứng pháp nửa đường để đi vào hành La-hán, Bích-chi-phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con từng nghe Ngài nói, Bồ-tát không làm khổ. Vì sao? Vì vị ấy không thấy làm việc này để chứng đắc, cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật có thể chứng đắc, vì các pháp đều không thể nắm bắt được. Vì vậy, những nghĩa, những pháp, những Bát-nhã ba-la-mật nào có thể chứng đắc để thành Vô thượng Bồ-đề?

Tu-bồ-đề nói tiếp: Bồ-tát thực hành chính là hành những điều không thể nắm bắt. Đối với những pháp ấy, Bồ-tát xa những pháp có giới hạn trong vô hạn.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát nghe điều này, không thoái chí, không biếng nhác thì chính vị ấy là người hành Bát-nhã ba-la-mật, nhưng không thấy mình hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy mình thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không nghĩ rằng: “Những quả vị La-hán, Bích-chi-phật cách xa ta, trí Nhất thiết gần ta.”

Ví như hư không, không nghĩ đến gần ta, vì hư không không phân biệt. Cũng vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không nên nghĩ hai đạo ấy cách xa ta, còn trí Nhất thiết thì gần ta. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật cũng không có phân biệt. Ví như người huyễn không nghĩ, ảo thuật gia ở gần ta, người xem xa ta. Vì người huyễn không có ý niệm. Ví như ánh sáng không nghĩ, khi ở gần ta thì sáng, xa ta thì tối. Vì thế Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không ái nhiễm với bậc Chánh giác.

Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật cũng thế. Ví như Đức Như Lai không nghĩ cũng không dạy là Nhị thừa cách xa ta, Đức Phật gần ta. Vì điều Ngài dạy là vô niệm, nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô niệm. Ví như việc làm của Như Lai không nghĩ rằng Nhị thừa xa ta, quả Phật gần ta. Vì sao? Vì Như Lai vô niệm nên Bát-nhã ba-la-mật cũng vô niệm. Thí như việc của mình làm cũng không nghĩ hoặc nói, việc làm của Bát-nhã ba-la-mật cũng thế.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Chỉ có Bát-nhã ba-la-mật mới không niệm thôi sao?

Tu-bồ-đề đáp:

–Từ sáu pháp Ba-la-mật, năm ấm, sáu căn, sáu nhập, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, ba môn giải thoát, mười Lực, mười tám pháp Bất cộng, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, trí Nhất thiết cho đến đạo và tánh hữu vi, tất cả đều vô niệm.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Nếu Trưởng lão nói tất cả pháp đều không có niệm thì từ đâu mà có năm cảnh giới, từ đâu lên đến Tu-đà-hoàn,Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật?

Tu-bồ-đề nói:

–Tất cả chúng sinh từ bốn điên đảo mà phát sinh. Bốn điên đảo mới tạo tác các hạnh nghiệp về thân, khẩu, ý để thọ thân khác nhau như: Địa ngục, Ngạ quỷ, Trời, Người.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Làm sao có bậc Tu-đà-hoàn cho đến bậc Chánh đẳng giác?

Tu-bồ-đề đáp:

–Vì những bậc ấy đều vô niệm. Vì thế, Xá-lợi-phất, Tôn giả nên biết thế này: Tất cả pháp đều vô niệm, biết như vậy là thật tế của pháp tánh.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật bằng vô niệm nên được giác ngộ bằng pháp vô niệm.

Phẩm 66: KIÊN CỐ

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là hành không kiên cố chăng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng vậy! Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là hành không kiên cố cho đến trí Nhất thiết cũng vậy. Thế nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật và trí Nhất thiết không có kiên cố và cũng không không kiên cố.

Lúc ấy, có hàng ngàn vị thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc nghĩ: “Nếu có những thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ-đề hành Bát-nhã ba-la-mật thì ta nên lễ bái họ, hoặc những vị đã hành Bát-nhã ba-la-mật nhưng không chịu chứng đắc nửa chừng, không đi vào hàng La-hán, Bích-chi-phật, ta nên đảnh lễ những bậc Như thế.” Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử:

–Hàng Bồ-tát không dừng ở các pháp để chứng quả A-la-hán hoặc Bích-chi-phật thì không có gì lạ. Nếu người vì vô số chúng sinh mà phát nguyện tuy không không thấy có người nhưng muốn độ chúng sinh, như vậy mới đặc biệt. Thế nên Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn thu phục chúng sinh tức là người muốn thu phục hư không. Vì sao? Vì hư không và chúng sinh đều tịch tĩnh, chúng sinh và hư không đều không, hư không không kiên cố nên chúng sinh cũng không kiên cố.

Này các Thiên tử! Do chúng sinh không kiên cố nên vị ấy mới phát thệ nguyện và chính vì thế mà các Bồ-tát này rất là đặc biệt. Vì vị ấy phát nguyện với chúng sinh tức là đấu tranh với hư không, tuy kết thệ nguyện với chúng sinh nhưng Bồ-tát không thấy có chúng sinh, bởi chúng sinh rỗng lặng nên thệ nguyện cũng rỗng lặng.

Vả lại, nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên nghe như thế nhưng Bồ-tát không kinh sợ, không lười biếng, không cho là khó rồi thoái lui. Nói như thế nghĩa là do năm ấm rỗng lặng nên chúng sinh rỗng lặng; sáu pháp Ba-la-mật, sáu trần, nội ngoại không, hữu vô không, mười tám giới, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng, bốn Không định, bốn Vô ngại tuệ, mười Lực, bốn Vô sở úy, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng cho đến trí Nhất thiết cũng đều rỗng lặng. Nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên Bồ-tát nghe như thế mà không kinh sợ cho đến không thoái lui.

Phật hỏi Tu-bồ-đề:

–Vì sao nói Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên không khiếp sợ không lười biếng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì không sở hữu nên không sợ; vì rỗng lặng nên không lười biếng. Cũng vậy, Bồ-tát vì không sở hữu và rỗng lặng nên hành Bát-nhã ba-la-mật không có khiếp sợ cũng không lười biếng. Vì sao? Vì sợ hãi và lười biếng không thể nắm bắt được. Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát nhờ hành như thế nên được chư thiên của Phạm vương và Đế Thích đều đảnh lễ. Không những chư thiên của Phạm vương và Đế Thích đều đảnh lễ người hành Bát-nhã ba-la-mật mà còn đến cả chư thiên ở cõi trời Tịnh cư đều đảnh lễ Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật.

Phật bảo:

–Tu-bồ-đề! Các Đức Phật hiện ở khắp mười phương đều quan tâm đến vị ấy. Tóm lại, Bồ-tát nhờ hành Bát-nhã ba-la-mật nên đầy đủ năm pháp Ba-la-mật và trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề! Ông nên biết, nếu các Đức Phật quan tâm đến các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật này, thì ngày thành Phật của vị ấy không xa.

Tu-bồ-đề! Giả sử hằng sa người thành ma và mỗi ma dẫn đến hằng sa quyến thuộc rồi tất cả cùng nhau liên kết với quyến thuộc của mình để nhiễu loạn Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì nhất định không thể được. Có hai việc mà ác ma không thể ở trong đạo phá hoại Bồ-tát là: 

1.     Quán các pháp đều không. 

2.     Không bỏ chúng sinh. 

Còn có hai việc ác ma không thể phá hoại là: 

1.     Việc làm đúng pháp. 

2.     Thường tưởng niệm đến các Phật và Bồ-tát. 

Người hành Bát-nhã ba-la-mật được chư Thiên ủng hộ và an ủi rằng: “Thiện nam tử, ngày ngài thành đạo Vô thượng Bồ-đề không còn xa nữa, thế nên ngài đừng bỏ dở hạnh: Không, Vô tướng, Vô nguyện.”

Bồ-tát hành như thế sẽ làm chỗ quy ngưỡng cho người không nơi quy ngưỡng, làm nơi cứu hộ cho người không nơi cứu hộ, làm mái ấm cho những người không nhà, làm ánh sáng cho những người tối tăm, làm mắt sáng cho những người không mắt. Vị Bồ-tát ấy được các Đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo và Bồ-tát trong mười phương đều tán dương khen ngợi danh hiệu của vị ấy.

Tu-bồ-đề! Ví như mỗi khi thuyết pháp, ta thường khen ngợi các Bồ-tát như Bồ-tát Bảo Tạo, Bồ-tát Thức Văn và những Bồ-tát tu phạm hạnh ở cõi Phật Diệu Lạc. Ta cũng thường khen ngợi những vị Chánh sĩ ở đó. Như chư Phật ở mười phương với diện mạo hoan hỷ khen ngợi Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Những Bồ-tát mới phát tâm muốn đầy đủ hạnh quả của Phật cho đến thành tựu Vô thượng Bồ-đề và trí Nhất thiết, mười phương chư Phật cũng khen ngợi Như thế. Vì sao? Vì ít có Bồ-tát có khả năng hành đúng hạnh nghiệp của Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật với dung mạo hoan hỷ khen ngợi hàng Bồ-tát còn thoái chuyển hay bậc không còn thoái chuyển?

Đúc Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Có những Bồ-tát không thoái chuyển hành Bát-nhã ba-la-mật và những Bồ-tát chưa thọ ký hành Bát-nhã ba-la-mật thì Đức Phật cũng thuyết pháp và tán thán họ, đồng thời cũng khen ngợi Bồ-tát ở cõi Diệu lạc đã học pháp ấy. Đối với những Bồ-tát có khả năng hành Bát-nhã ba-la-mật và biết các pháp không có sự sinh nhưng chưa đắc được không từ đâu sinh; biết các pháp là không, nhưng chưa đắc được không từ đâu sinh; biết các pháp thanh tịnh cũng chưa đắc được không từ đâu sinh, biết các pháp không sở hữu, không kiên cố cũng chưa đắc được không từ đâu sinh. Các Đức Phật dung mạo hoan hỷ tán thán các Bồ-tát này, nêu tên các vị ấy khen ngợi rằng: Vì vị ấy bỏ quả vị La-hán, Bích-chi-phật nên được thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Lại có người hành Bát-nhã ba-la-mật cũng chưa được chư Phật xưng tán cũng sẽ được không thoái chuyển và được trí Nhất thiết. 

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát không phân vân, không sợ hãi, không lười biếng.

Lại nữa, sau khi lãnh sự chỉ giáo của Phật, vị ấy lại đến cõi Phật Diệu lạc nghe Bát-nhã ba-la-mật và được gặp gỡ các vị Chánh sĩ cõi ấy. Những vị ở đó cũng rất vui mừng, nói: “Người này có hành

Bát-nhã ba-la-mật nên sinh đến đây, rồi cũng sẽ đạt pháp ấy.”

Này Tu-bồ-đề! Vì thế, ông nên biết âm thanh của Bát-nhã ba-la-mật có rất nhiều lợi ích. Chỉ có âm thanh của Bát-nhã ba-la-mật thôi mà còn lợi ích Như thế, huống là người hành Bát-nhã ba-la-mật và an trụ trí Nhất thiết đúng như pháp!

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Luôn an trụ như pháp, luôn như pháp nghĩa là không có sở hữu thì làm sao an trụ trí Nhất thiết?

Bạch Thế Tôn! Như của giải thoát không có pháp để đắc thì ai là người trụ Như, ai trụ trong Như, ai giác ngộ; ai trụ trong Như, ai thuyết pháp? Như không thể thấy được thì làm sao có người trụ ở trong Như, có người giác ngộ, việc ấy hoàn toàn không thể có.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Như lời ông vừa nói, trụ trong Như thì không khác, vì không sinh không diệt thì ai là người an trụ vào đó để thành Phật, ai thuyết pháp? Tất cả đều không có sở hữu.

Lúc ấy Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề quả thất rất khó.

Bạch Thế Tôn! Không có người trụ Như, không có người thành Phật, không có người thuyết pháp. Tuy là không thấy không có sở hữu nhưng Bồ-tát nghe như thế cũng không khiếp sợ.

Tu-bồ-đề nói với Đế Thích:

–Này Câu-dực! Theo lời nói thì Bồ-tát rất đặc biệt lạ lùng, vì đối với pháp sâu xa không có sự nghi ngờ và thoái chuyển. Tôi hỏi ngài, các pháp đều không thì ai là người hoang mang, ai là người tiến thoái?

Đế Thích nói với Tu-bồ-đề:

–Tôn giả chỉ nói về không, không có trở ngại. Thí như dương cung bắn vào không trung, mũi tên bay đi không bị trở ngại. Những điều ngài vừa nói cũng thế, thật không có sự vướng mắc.

Phẩm 67: GỬI LẠI

Lúc ấy Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những điều con vừa nới có tùy thuận và đúng pháp không?

Phật đáp:

–Đúng thế, này Câu-dực! Những điều ông vừa hỏi là đúng với sự việc ấy không có sai lầm.

Đế Thích thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những điều Tôn giả Tu-bồ-đề vừa nêu rất kỳ lạ, Tôn giả nói là không rời các pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và Đạo.

Phật bảo Đế Thích:

–Này Câu-dực! Tôn giả Tu-bồ-đề thường hành hạnh không, nên đối với các pháp như sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, bốn Không định, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại, bốn Tâm vô lượng, đại Từ, đại Bi, mười tám pháp Bất cộng, đạo, trí Nhất thiết cho đến Như Lai và tướng hảo của Như Lai. Những pháp ấy còn không có huống gì có người niệm, người trụ, người tu, người chứng.

Này Câu-dực! Tu-bồ-đề nghĩa là hành các pháp rỗng lặng. Tu-bồ-đề nghĩa là hành không có sở hữu đối với các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện. Vì thế nên gọi là hạnh Tu-bồ-đề. Đem việc làm của Tu-bồ-đề sánh với hạnh tu Bát-nhã ba-la-mật của Đại Bồ-tát thì hạnh ấy gấp hàng trăm ngàn vạn ức lần không thể sánh được. Vì sao? Vì Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chính là Bậc đáng được tôn trọng vượt hơn các hàng La-hán, Bích-chi-phật, chỉ ngoại trừ các Đức Như Lai.

Thế nên, các Đại Bồ-tát muốn siêu việt hơn Trời và Người thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì hành như thế thì vượt hơn cả hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vị ấy đầy đủ Phật pháp, thông đạt trí Nhất thiết, thành tựu quả Phật.

Lúc ấy trong hội, chư Thiên cõi trời Đao-lợi tung hoa Mạn-đàla cúng dường Đức Phật. Cùng lúc ấy, có sáu ngàn Tỳ-kheo sửa y phục, đảnh lễ Phật rồi quỳ thẳng hướng về Ngài. Do oai thần của Phật nên trong tay của mỗi vị đều nắm đầy hoa Mạn-đà-la tung lên cúng Phật. Cúng dường xong, các vị ấy cùng thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thực hiện diệu hạnh của các Đức Phật đã làm.

Hiểu được tâm nguyện của các Tỳ-kheo, Đức Phật mỉm cười, miệng phóng ra ánh sáng năm màu tỏa chiếu khắp mười phương rồi trở về nhiễu quanh thân ba vòng và nhập vào điûnh đầu của Ngài.

Khi ấy, Tôn giả A-nan đứng dậy sửa y phục quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:

–Vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười và phóng ánh sáng ấy? Phật không cười vô cớ, con xin được nghe lời chân thật của Ngài.

Phật bảo A-nan:

–Sáu ngàn Tỳ-kheo này, về đời sau, trong kiếp Đa-lâu-ba-ni đều sẽ thành Phật hiệu là Tán Hoa Như Lai. Cõi nước, chúng hội đệ tử của các vị ấy đều như nhau và cũng sống thọ một ngàn tuổi. Khi những Tỳ-kheo này thành Phật, các thế giới đều mưa hoa năm màu cúng dường.

Phật lại bảo A-nan:

–Các Tỳ-kheo này sau khi viên tịch, sinh đến nơi nào cũng đều xuất gia hành đạo, thời gian lâu về sau mới thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Thế nên, này A-nan Đại Bồ-tát muốn được hạnh vi diệu tối thượng thành tựu Như Lai thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Nếu có thiện nam, tín nữ hành Bát-nhã ba-la-mật này, thì ông nên biết đó là những người tới đây từ cõi trời Đâusuất. Ở nơi ấy họ đã từng nghe pháp này rồi và đã được thông tuệ.

Hoặc thiện nam, tín nữ nào nghe Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này rồi tiếp nhận học tập sao chép, trì tụng, diến thuyết đúng như lời Phật đã dạy. Nên biết, những người ấy ở nơi giáo pháp của Đức Phật thời quá khứ đã hoàn thiện công đức này rồi mới đến đây. Thiện nam, tín nữ ấy không tạo công đức của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật và càng không phải nhờ đó mà được nghe Bát-nhã ba-la-mật này.

Này A-nan! Thiện nam, tín nữ nào được nghe Bát-nhã ba-la-mật rồi thọ trì, đọc tụng, diến thuyết thì sự vinh hạnh của người ấy giống như chính mình được gặp Phật.

Hơn nữa, này A-nan! Nếu thiện nam, tín nữ nào khi nghe giảng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này mà không khiếp sợ lại phấn khởi. Ở nơi chư Phật quá khứ vị ấy cùng Thiện tri thức đã hoàn thành hạnh này và không còn thoái chuyển nơi ba thừa. Vì dùng tâm tinh tấn kiên cố lâu dài hành sáu pháp Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết, không dừng ở hàng Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì thế, này A-nan, Ta đem pháp Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

A-nan! Những pháp ta nói, riêng pháp Bát-nhã ba-la-mật này nếu để quên mất thì thật đáng tội. Quả như, trì pháp này mà quên hoặc mất một câu, một chữ thì tội rất nặng.

Này A-nan! Ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này phó chúc cho ông, ông nên thận trọng tiếp nhận, ghi nhớ, đọc tụng. Nếu có thiện nam, tín nữ nào tiếp nhận đọc tụng và thực hành theo pháp Bát-nhã ba-la-mật này tức là người ấy đã thọ trì đạo pháp của chư Phật trong ba đời. Hoặc giả, có thiện nam, tín nữ nào dùng hương thơm, hoa đẹp, tràng phan, lọng quý cúng dường pháp Bát-nhã ba-la-mật thì chính người ấy đã cúng dường ta và các Đức Phật trong ba đời. Hoặc thiện nam, tín nữ nào nghe giảng thuyết về Bát-nhã ba-la-mật sâu xa rồi muốn phát tâm cúng dường thì người ấy đã cúng dường chư Phật trong ba đời.

Vì vậy, này A-nan! Nếu ông cung kính tôn trọng ta, thì phải cung kính tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật. Lúc nào chép kinh này, ông nên thận trọng đừng để sót mất câu nào.

A-nan! Thế nên ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

Này A-nan! Hiện nay, ta là người cao quý trong ba cõi, pháp Bát-nhã ba-la-mật này cũng thế, hơn cả những giáo pháp đã phó chúc. Ta đem pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này phó chúc cho ông.

Vì vậy, này A-nan! Ông nên tuyên cáo cho tất cả chư Thiên, Long thần và Người trong thế gian đều biết rằng: “Ai muốn kính trọng ta và Tam bảo cũng như muốn giữ gìn đạo của chư Phật trong ba đời thì hãy kính trọng giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật. Có như thế thì Chánh pháp của ta mãi trường tồn.”

Này A-nan! Nếu thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, tuân hành và diến giải nghĩa lý pháp môn Bát-nhã ba-la-mật này cho mọi người thì người ấy sớm đạt trí Nhất thiết và thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Này A-nan! Đạo của các Đức Phật đều phát sinh từ Bát-nhã ba-la-mật các Đức Phật trong ba đời đều sinh từ Bát-nhã ba-la-mật. 

Này A-nan! Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật thì nên học sáu pháp Ba-la-mật. Vì sáu pháp Ba-la-mật là mẹ sinh của các Bồ-tát, nên những người học sáu pháp Ba-la-mật đều sẽ thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Vì vậy, A-nan! Nếu ông hành trì sáu pháp Ba-la-mật thì hơn pháp mà ta đã phó chúc cho ông rồi. Vì sáu pháp Ba-la-mật là pháp tạng của các Đức Như Lai, là tạng Vô tận. Các Đức Phật trong ba đời chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh, các Ngài đều lấy sáu pháp Ba-la-mật làm tạng và chính các Ngài học sáu pháp Ba-la-mật này mà thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Hàng đệ tử của các Ngài đều học sáu pháp Ba-la-mật nên nhập Niết-bàn, người nào chưa đạt Niết-bàn thì nên học sáu pháp Ba-la-mật ấy.

A-nan! Giả sử ông thuyết pháp giáo hóa đệ tử khắp ba ngàn thế giới đều chứng quả A-la-hán, như thế cũng chưa xứng đáng là sự giáo hóa của đệ tử ta và cũng không bằng người dạy cho các Bồ-tát học một câu Bát-nhã ba-la-mật. Người dạy được như thế mới chính là sự giáo hóa của đệ tử ta.

Rồi Đức Phật hỏi:

–Này A-nan! Đem công đức người hành sáu pháp Ba-la-mật so với ví dụ ta nói vừa rồi thì công đức có nhiều hơn không?

A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật nói:

–Này A-nan! Như thế cũng không bằng đệ tử của ta tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật trong một ngày, một buổi, một giờ cho đến trong khoảnh khắc. Người được phước đức thù thắng ấy siêu việt hơn người độ Thanh văn đắc quả A-la-hán. Bởi vì công đức của một vị Bồ-tát đã vượt hơn tất cả La-hán, Bích-chi-phật rồi. Vì sao? Vì Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề, muốn bảo hộ, an ủi tất cả chúng sinh và muốn làm cho họ cùng thành tựu quả vị ấy.

Này A-nan! Người hành sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết công đức tăng trưởng, nhất định sẽ thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Lúc tuyên thuyết pháp này, trong đại hội gồm bốn hàng đệ tử và tám bộ chúng, Đức Phật hiện Thần túc thông làm cho tất cả chúng hội cùng thấy Đức A-súc Như Lai đang thuyết pháp cùng chúng hội vây quanh. Chúng hội ấy như biển cả, toàn là những bậc La-hán không còn cấu nhiễm, đều được tự tại, đã đạt Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, vứt bỏ gánh nặng, việc làm đã hoàn tất, như bậc Long tượng: Việc cần làm đã làm xong, không còn tập nghiệp, được câu phần giải thoát, các nguyện đã hoàn thành công đức của những bậc La-hán trong hội kia đều như vậy và vô số Đại Bồ-tát oai đức uy nghi không thể lường được.

Bấy giờ, Đức Phật thu hồi thần lực, tất cả chúng hội đều không còn thấy cảnh giới ấy nữa.

Phật bảo A-nan:

–Các pháp cũng thế, không thể dùng mắt để thấy, các pháp không đối nhau, pháp không đồng nhau với pháp, không thấy nhau, không biết nhau, cũng như hiện giờ chúng hội không còn thấy Đức Phật A-súc và cõi nước của Ngài. Các pháp cũng thế, không thể đối nhau, không thể thấy nhau và biết nhau.

A-nan! Pháp không biết, không thấy, vì các pháp không tạo tác. Vì sao? Vì các pháp không, không thể nắm bắt, không thể nghĩ bàn và không niệm.

Ví như người huyễn không biết gì nên làm việc không đáng làm, không chắc thật. Đại Bồ-tát hành như vậy là hành Bát-nhã ba-la-mật, nên đối với các pháp không có chỗ nhập.

A-nan! Bồ-tát học như thế là học Bát-nhã ba-la-mật. Ai muốn đạt được các độ thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Người học như thế là tôn quý hơn hết, vượt hẳn các người đã thành tựu. Vị ấy làm nơi che chở cho những người không nơi che chở trong thế gian, làm chỗ quy y cho những người không chỗ quy y.

Đức Phật nhờ học Bát-nhã ba-la-mật nên có thể dùng cánh tay phải nâng ba ngàn thế giới này rồi đặt xuống chỗ cũ, nhưng tất cả chúng sinh đều không hay biết. Vì sao? Vì chư Phật trong ba đời nhờ học Bát-nhã ba-la-mật mà thành tựu và cũng chính nhờ học nó mà các Ngài thành tựu các Tuệ vô ngại.

Này A-nan! Người học Bát-nhã ba-la-mật tôn quý hơn người học pháp khác và hơn những người thành tựu từ pháp khác. Người học như thế cũng chính là muốn ngang bằng với Bát-nhã ba-la-mật, đến điểm cuối cùng của hư không. Vì sao? Vì tướng của Trí tuệ đôï không thể so sánh.

A-nan! Ta chưa từng nói giới hạn của Bát-nhã ba-la-mật. Anan, thân người có số lượng, cú pháp có số lượng, ý nghĩa có giới hạn, nhưng Bát-nhã ba-la-mật này không có giới hạn.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật không có giới hạn?

Phật nói:

–A-nan! Vì Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận nên không có giới hạn, vì Bát-nhã ba-la-mật rỗng lặng nên không có giới hạn. Các Đức Như Lai trong ba đời đều nhờ học pháp này mà thành tựu. Những pháp này cũng không vì thế mà tận.

Này A-nan! Thế nên ta nói Bát-nhã ba-la-mật không thể tận, cũng không có người có khả năng làm cho pháp ấy tận. Không tận nghĩa là nếu có người nói: “Ta muốn tận cùng Bát-nhã ba-la-mật” là muốn tận cùng hư không.

A-nan! Sáu pháp Ba-la-mật không thể tận cũng không có người có khả năng làm tận cho đến trí Nhất thiết cũng không thể tận, không có người làm tận và cũng không tận. Pháp ấy cũng không sinh. Sinh còn không có huống gì có tận.

Lúc ấy, Đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp cả mặt nói với A-nan:

–Ông hãy đem Bát-nhã ba-la-mật này trình bày tuyên thuyết, phân biệt giải nghĩa mọi việc đều rành rẽ mạch lạc cho bốn chúng. Vì Bát-nhã ba-la-mật này phát sinh ra các pháp, hàng ba Thừa đều phải tùy thuận theo pháp này để sự học được thành tựu.

A-nan! Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này là nơi chứa các pháp, tất cả các văn tự đều đến gia nhập ở đó. Vả lại, Bát-nhã ba-la-mật này đều là những môn Tổng trì. Vì thế các Bồ-tát muốn học các môn tổng trì thì nên học Bát-nhã ba-la-mật. Những vị Bồ-tát được pháp tổng trì đều có biện tài để gìn giữ các pháp ấy. Tuy nhiên Bát-nhã ba-la-mật cũng chính là chỗ ẩn trú của Bồ-tát ba đời chư Phật. Vì thế, ta tuyên bố cho tất cả cho những ai tiếp nhận, phúng tụng và học tập Bát-nhã ba-la-mật, thì chính vị ấy đã nắm hết đạo của chư Phật trong ba đời.

A-nan! Nay ta thuyết hạnh Bát-nhã ba-la-mật cho ông, ông trì pháp này chính là đã giữ gìn tất cả các pháp.

Phẩm 68: VÔ TẬN

Lúc ấy, Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Đạo pháp của các Đức Phật rất rộng lớn sâu xa, ta nên thỉnh vấn Thế Tôn.” Rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật này vô cùng tận như thế nào?

Phật đáp:

–Hư không không thể tận, Bát-nhã ba-la-mật không thể tận.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải làm thế nào để nhập Bát-nhã ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật bằng các pháp như: năm ấm vô tận, sáu pháp Ba-la-mật vô tận, cho đến trí Nhất thiết vô tận, nên Bồ-tát thể nhập Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật bằng các pháp: vô minh như hư không không thể tận, hành như hư không không thể tận, thức như hư không không thể tận, danh sắc như hư không không thể tận, lục nhập như hư không không thể tận, xúc như hư không không thể tận, thọ như hư không không thể tận, ái như hư không không thể tận, thủ như hư không không thể tận, hữu như hư không không thể tận; sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não như hư không không thể tận.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên hành như vậy để thể nhập vào Bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bồ-tát quán sát mười hai duyên khởi là bỏ vô minh và tương ứng với không sự nhập. Bồ-tát quán pháp mười hai duyên khởi này sẽ được ngồi nơi đạo tràng. Ở nơi ấy Bồ-tát quán pháp này liền được trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào biết được hư không không thể tận nên quán mười hai nhân duyên bằng Bát-nhã ba-la-mật thì nhất định không rơi vào hàng La-hán và Bích-chi-phật, mà được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Những thiện nam, tín nữ hành đạo Bồ-tát mà còn thoái chuyển không có học Bát-nhã ba-la-mật, không biết hành Bát-nhã ba-la-mật, không biết mười hai nhân duyên như hư không và không biết phương tiện quyền xảo. Vì vậy nên còn thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những Bồ-tát không bị thoái chuyển là vị ấy hành Bát-nhã ba-la-mật bằng phương tiện quyền xảo và biết hư không vô tận nên thể nhập Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát quán chiếu mười hai nhân duyên như vậy, không thấy có pháp nào là do nhân duyên sinh, không thấy pháp nào là pháp thường không bị diệt, không thấy ngẫu nhiên; không thấy chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng; không thấy có sự hiểu biết; không thấy vô thường, vô ngã, cũng không thấy pháp tịnh, pháp bất tịnh.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên quán mười hai nhân duyên bằng Bát-nhã ba-la-mật như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, nên lúc ấy không thấy năm ấm có thường, vô thường, khổ, lạc, ngã, vô ngã, có tịnh, bất tịnh, cho đến trí Nhất thiết cũng không thấy như vậy.

Tu-bồ-đề! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy pháp có thể nắm bắt để thấy Bát-nhã ba-la-mật, cho đến đạo cũng không thấy có pháp hiện hữu để thấy đạo.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy không nương tựa vào các pháp.

Tu-bồ-đề! Lúc Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy, không nương tựa vào các pháp thì ma Ba-tuần rất buồn khổ, thí như người vừa bị mất cha mẹ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ có ma ở đây buồn khổ thôi hay tất cả ma trong ba ngàn thế giới đều như vậy?

Phật đáp:

–Tất cả ma trong ba ngàn thế giới đều sầu khổ, bọn chúng đều không thể ngồi yên nơi chỗ của mình. Khi Đại Bồ-tát hành hạnh ấy, thì tất cả chư Thiên và ma vương không thể quản thúc.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật. Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật chính là đầy đủ các Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Điều quan trọng của Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật là niệm hạnh trí Nhất thiết. Đó là Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật.

Phẩm 69: SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA SÁU ĐỘ

Lúc ấy Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát thực hành Bố thí ba-la-mật mà kiêm cả Trì giới ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát cầu trí Nhất thiết nên đem thân, khẩu, ý bố thí bằng ba việc thanh tịnh cho chúng sinh. Đó là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Trì giới ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật?

Phật đáp:

–Lúc Bồ-tát bố thí mà người nhận nghịch lại khinh dễ, mắng chửi bằng lời thô tục, nhưng Bồ-tát không sân hận họ. Đó là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật?

Phật đáp:

–Lúc Bồ-tát Bố thí bị người nhận chửi mắng và khinh dễ, nhưng vị ấy vẫn vững tâm và càng bố thí không hối tiếc. Vị ấy luôn nghĩ: “Ta phải luôn bố thí không bỏ qua cơ hội nào. Bồ-tát luôn rộng lượng bố thí cho cả người đang cần và người cần mà không đến được, thường cho người nhận nhưng không kể thân sơ.” Đó là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Thiền định ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát bố thí là để cầu trí Nhất thiết, nên tâm vị ấy không loạn không dừng ở quả vị La-hán và Bích-chi-phật. Đó là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Thiền định ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát hành bố thí kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật?

Phật đáp:

–Khi bố thí Bồ-tát luôn quan niệm rằng: Việc bố thí của ta như huyễn như mộng, tùy theo việc làm bố thí nhưng không thấy chúng sinh có sự tăng giảm cũng không thấy có người được, người không. Đó là hành bố thí kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát hành Trì giới ba-la-mật kiêm cả năm pháp Ba-la-mật?

Phật đáp:

–Do sự phòng hộ mà không cầu quả vị La-hán, Bích-chi-phật. Vị ấy an trụ nơi giới, không sát hại chúng sinh, không ăn trộm, không phạm vào phạm hạnh, cho đến không phạm mười giới. Vị ấy giữ giới, bố thí và bố thí người trì giới rồi dạy chúng sinh thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.

Phật tiếp: 

–Bồ-tát hành Trì giới ba-la-mật nếu có người đến cắt bỏ từng phần nơi cơ thể đi nữa thì vị ấy cũng không nổi giận mà vui mừng nói: “Ta được lợi ích lớn, vì có người đến cắt bỏ thân thể hộ cho ta.” Đó là Bồ-tát hành Trì giới ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát Trì giới ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật?

Phật đáp:

–Vì khi Trì giới ba-la-mật, ba nghiệp Bồ-tát không biếng nhác. Vị ấy luôn nghĩ: “Ta nên đưa các chúng sinh từ nơi sinh tử đến bờ giải thoát.” Đó là Bồ-tát hành Trì giới ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát Trì giới ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật?

Phật đáp:

–Thực hành Trì giới ba-la-mật, Bồ-tát thể nhập thiền thứ nhất đến thiền thứ tư nhưng không nương vào hai thừa. Vị ấy luôn nghĩ rằng: “Ở trong thiền ta nên độ chúng sinh.” Đó là Bồ-tát hành Trì giới ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát Trì giới ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật?

Phật đáp:

–Khi trì giới vị ấy không thấy có pháp dừng, pháp trụ, pháp có, pháp không, pháp sai, pháp đúng; vì Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện quyền xảo không rơi vào hai thừa. Đó là Bồ-tát Trì giới ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật, từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, nếu bị tất cả chúng sinh đến mắng chửi, khinh dễ, cắt phá tứ chi, nhưng Bồ-tát vẫn đứng vững trên đất nhẫn nhục nên luôn nghĩ: “Tuy người không nhận nhưng ta vẫn bố thí, không bỏ lỡ qua một phút giây nào.” Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho chúng sinh đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Tuy phát nguyện như vậy nhưng vị ấy không dừng nơi hai xứ; hai xứ đó là có tướng nguyện và tướng tạo tác. Đó là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật?

Phật đáp:

–Từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, Bồ-tát không phạm mười điều ác (từ sát sinh đến tà kiến). Vị ấy hành theo mười thiện nghiệp, tâm không nghĩ tưởng về hai thừa. Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng phát tâm Vô thượng Bồ-đề nhưng không lệ thuộc ba thừa. Đó là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả trí Trì giới ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật?

Phật đáp:

–Hành nhẫn nhục, Bồ-tát phát tâm tinh tấn, vị ấy nói: “Ta sẽ đi khắp trăm ngàn do-tuần này, hoặc trăm ngàn cõi nước, hoặc vô số cõi nước, nếu có người nào không trì giới ta sẽ dạy cho họ trì giới và theo sự thích ứng, ta đem giáo pháp ba thừa hướng dẫn để họ giải thoát.” Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đó là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật? Phật đáp:

–Hành Nhẫn nhục ba-la-mật từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, Bồ-tát quán chiếu các pháp là thanh tịnh, rỗng lặng, vô tận. Do pháp thanh tịnh, vị ấy chứng quả Vô thượng Bồ-đề ngồi nơi đạo tràng thành đạt trí Nhất thiết và chuyển pháp luân. Đó là Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề! Sự quy nạp của Bồ-tát là không chấp thủ cũng không xả bỏ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật?

Phật dáp:

–Bồ-tát thực hành tinh tấn từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, khoảng thời gian này, ba nghiệp của vị ấy không có giây phút nào nghĩ đến sự ăn ngủ hoặc lười biếng. Bồ-tát đem tinh tấn ấy hồi hướng về Vô thượng Bồ-đề, nhưng ở đó, vị ấy không thấy có tướng nắm bắt và thành tựu. Vì tất cả chúng sinh, Bồ-tát qua hàng trăm ngàn do-tuần, trăm ngàn cõi nước từ cõi Phật này đến cõi Phật kia. Giả sử còn chúng sinh nào chưa được độ thì Bồ-tát an bài cho họ bằng cách đem giáo pháp ba thừa dạy dể họ được giải thoát, nhưng vị ấy cũng không thấy có người được độ. Đối với những người nào không có khả năng hành đạo của Phật và Bồ-tát thì giáo hóa họ bằng pháp của hàng Bích-chi-phật. Nếu không có người hàng Bích-chi-phật thì dạy họ giữ mười điều lành. Dù chỉ hướng dẫn được một người vào đạo, hành trì giáo pháp và bố thí cho các chúng sinh, sự việc hoàn tất, Bồ-tát cũng đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều được thành tựu Vô thượng Bồ-đề không đi vào hai thừa. Đó là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật?

Phật đáp:

–Thực hành Tinh tấn ba-la-mật từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng Bồ-tát giữ mười điều thiện và khuyên mọi người hành theo và hoan hỷ với người hành mười điều thiện. Khi thọ trì giới pháp, vị ấy không màng đến sự vui ba cõi, cũng không nghiêng về hai thừa. Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề với hành động ấy, nhưng không nghĩ về người làm trong ba đời. Đó là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát thực hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát thực hành tinh tấn từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng. Nếu có người hoặc phi nhân bắt cắt xả tứ chi của mình, nhưng vị ấy không nghĩ: “Ai là người cắt xả ta? Hoặc người lấy đi là ai?”, mà vị ấy chỉ nghĩ: “Ta được lợi ích lớn vì tất cả chúng sinh nên ta thọ thân này, giờ đây chúng sinh đến đem đi, vì hành trì Chánh pháp ta càng hoan hỷ không nên sân hận.” Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề, không bị đi vào Nhị thừa. Đó là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật?

Phật đáp:

–Thực hành tinh tấn, Bồ-tát nhập từ tầng Thiền thứ nhất đến tầng Thiền thứ tư, cùng bốn Tâm vô lượng, bốn Thiền vô sắc nhưng không đoạn trừ, không chấp trước. Vị ấy sinh ra nơi nào cũng chỉ có tâm niệm cứu độ chúng sinh, dùng sáu pháp Ba-la-mật để độ thoát họ. Bồ-tát thường diện kiến các Đức Phật, vị ấy đi từ cõi Phật này đến cõi Phật kia để lễ bái cung kính, cúng dường và trồng các căn lành. Đó là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát thực hành tinh tấn không thấy năm pháp Ba-la-mật, không thấy các pháp như ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết và sự tướng của chúng cũng không làm hang ổ cho các pháp, lời nói hoặc việc làm luôn đi đôi với nhau. Đó là Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát muốn tâm kiên định nên thực hành bốn Tâm vô lượng, bốn Thiền vô sắc. An trụ nơi cảnh giới của các thiền và thường bố thí hai việc, đó là tài thí và pháp thí, khuyến khích người khác hành hai thí đó và thường tán thán công đức của hai thí, thấy người làm như thế khen ngợi và tùy hỷ. Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Đó là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật?

Phật đáp:

–Hành thiền định, Bồ-tát không sinh tâm dâm, nộ, si cũng không sinh tâm hại, chỉ sinh hạnh trí Nhất thiết, Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề không rơi vào hai địa. Đó là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật?

Phật đáp:

–Thực hành Thiền định, Bồ-tát quán chiếu sắc như chùm bọt nước, thọ như bong bóng nước, tưởng như sóng nắng, hành như thân cây chuối, thức như huyễn hóa. Quán xong, vị ấy thấy năm ấm không an ổn, không kiên cố, không quan trọng. Bồ-tát lại nghĩ: “Trong đây đâu có ai là người cắt ta, xả ta là ai, đâu là sắc, đâu là thọ, đâu là tưởng và đâu là hành và thức.” Quán chiếu như vậy rồi, vị ấy nghĩ tiếp: “Không có người chửi mắng thô tục nên ý không nổi giận. Người giận còn không thì làm gì có người mắng.” Đó là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát dùng bốn Thiền định để đi vào cảnh giới thiền và nhờ oai lực của định nên được thần thông biến hóa vô lượng bằng Thiên nhĩ, vị ấy nghe thông suốt hai loại âm thanh, biết rõ ý nghĩ của chúng sinh và vô số việc trong sinh tử. Với Thiên nhãn, vị ấy thấy hành nghiệp của thiện ác và quả báo tốt xấu của chúng sinh. Bồ-tát an trụ trong năm thần thông đi từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, cung kính lễ bái cúng dường trồng các căn lành, làm thanh tịnh cõi Phật và giáo hóa chúng sinh. Bồ-tát đem công đức ấy hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành Vô thượng Bồ-đề nhưng không rơi vào hai thừa. Đó là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Thiền định ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật? Phật đáp:

–Hành thiền định Bồ-tát không rơi vào năm ấm, sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, trí Nhất thiết và tánh hữu vi, tánh vô vi cũng không có sự có và sự tạo tác, tuy không tạo tác cũng không sinh diệt. Vì sao? Vì có Phật hay không có Phật, pháp tánh cũng vẫn thế không sinh, không diệt, chỉ có trí Nhất thiết tương ưng với trí Nhất thiết. Tu-bồ-đề, đó là Bồ-tát hành Thiền địn ba-la-mật kiêm cả Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Thế nào là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật đối với nội không, không có nội không; đối với ngoại không, không có ngoại không; đối với nội ngoại không cũng không có nội ngoại không. Không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không đều không có, cũng không thấy điểm rốt ráo, điểm cuối cùng của các hành không, tánh không, cho đến tất cả pháp tự nó là không. Đại Bồ-tát an trụ nơi mười bốn không ấy rồi cũng không thấy năm ấm vì bất không cũng không biết cũng không có cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cũng thế, kể cả tánh của hữu vi và vô vi. Đại Bồ-tát bố thí bằng trí tuệ ở cõi Người, cõi Trời nhưng vị ấy thấy vật thí, người thí và người nhận đều không. Quán chiếu tâm tham dâm làm cho nó không bao giờ có điều kiện để phát sinh. Vì Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không có chút nào ý niệm phân biệt. Từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, vị ấy không sinh tâm tham lam tật đố cũng như Đức Phật không có tâm ấy. Vì vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không có tâm tham lam, tật đố. Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Bố thí ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên tâm không bị lệ thuộc vào hai thừa. Vì sao? Vì vị ấy không có tâm La-hán, Bích-chi-phật và sự tạo tác của hai bậc ấy cũng không thể nắm bắt. Bồ-tát từ lúc phát tâm đến khi ngồi đạo tràng luôn thực hành mười điều lành và khuyến khích mọi người làm theo, thấy người làm và tùy hỷ khen ngợi. Bằng tâm giữ giới, vị ấy không phê phán các pháp, cũng không phê phán Nhị thừa huống chi những pháp khác. Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Trì giới ba-la-mật.

Tu-bồ-đề hỏi:

–Thế nào là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật nên được phát sinh sự tùy thuận nhẫn. Vị ấy nghĩ các pháp không sinh, không diệt; không sinh tử nên không có người mắng chửi, không có người cắt xả, không có người đánh đập, cũng không có người trói buộc. Bồ-tát từ khi phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng nếu có chúng sinh cầm dao gậy đánh đập, cắt xả; vị ấy sinh ý niệm: “Thương thay, pháp của các pháp không có mắng chửi, vậy ai là người đánh đập, ai là người cắt xả thế này?” Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Nhẫn nhục ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thuyết pháp hướng dẫn chúng sinh bằng pháp sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo và bằng pháp của ba thừa cho đến Vô thượng Bồ-đề. Tuy hướng dẫn như thế nhưng vị ấy không có lệ thuộc ở pháp hữu vi hay vô vi. Đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Tinh tấn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa:

–Thế nào là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật?

Phật đáp:

–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chỉ ngoại trừ định của Như Lai, ngoài ra những định của Nhị thừa, định của Bồ-tát đều có thể thực hành trọn vẹn, ở nơi thiền giải thoát, Thiền tứ không, Thiền chín tầng, vị ấy có khả năng nhập xuất thông suốt, khi xả những định ấy liền nhập định Sư tử phấn tấn. Định Sư tử phấn tấn nghĩa là cùng một lúc có nhập thuần thục tất cả các thiền trên; xả thiền ấy liền nhập vào Thiền Mãn-khư-xà siêu việt đẳng trí cùng các thiền khác. Tu-bồ-đề, đó là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật kiêm cả Thiền định ba-la-mật.

KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ

 Mục Lục

Quyển-1   Quyển-2   Quyển-3   Quyển-4   Quyển-5   Quyển-6   Quyển-7   Quyển-8   Quyển-9   Quyển-10   Quyển-11   Quyển-12   Quyển-13   Quyển-14   Quyển-15   Quyển-16   Quyển-17   Quyển-18   Quyển-19   Quyển-20

 

previous.png         back_to_top.png         next.png

 

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH ]

google-site-verification=Iz-GZ95MYH-GJvh3OcJbtL1jFXP5nYmuItnb9Q24Bk0