佛山* Buddha Mountain * Phật Sơn

Calgary Alberta Canada

[  中文|   ENGLISH   ]

KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.

QUYỂN 10

Phẩm 29: BỒ-TÁT ĐÀM-VÔ-KIỆT

Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân từ Tam-muội xuất cùng với năm trăm người con gái đến ngoài cửa cung của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đứng ngoài cửa thầm nghĩ: “Hôm nay ta vì kinh pháp mà đến đây, thầy đã vào trong cung theo đạo nghĩa thì ta chẳng nên nằm, chẳng nên ngồi, chờ thầy ta ra, bước lên tòa cao thuyết Bát-nhã ba-la-mật, lúc đó ta mới nên ngồi.” Năm trăm người con gái cũng đều bắt chước Bồ-tát Tát-đà-ba-luân mà đứng.

Lúc đó Bồ-tát Đàm-vô-kiệt vừa dạy các cô gái trong điện, nói kinh pháp xong, Bồ-tát tắm rửa rồi bèn mặc áo mới bước lên tòa Bát-nhã ba-la-mật ngồi tư duy nhập vào hết các thứ Tam-muội, như vậy suốt bảy năm không động không lay. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái cũng lại thường kinh hành bảy năm chẳng ngồi chẳng nằm. Sau bảy năm đó, Thiên nhân ở trong hư không nói với họ: “Bảy ngày sau, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ từ Tam-muội xuất.”

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân nghe tiếng nói của Thiên nhân, tự nghĩ: “Hôm nay chúng ta nên vì Thầy mà bày tòa ngồi, rưới nước, quét dọn.” Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái đồng đi đến chỗ nói kinh. Đến rồi, họ đặc biệt vì Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà bày tòa cao. Lúc đó năm trăm người con gái, mỗi người đều tự lấy áo mặc của mình trải lên trên tòa ngồi. Ngay khi ấy ma tệ ác tự nghĩ: “Chưa từng có điều đó, chưa từng thấy việc đó! Bồ-tát Tát-đà-ba-luân này vì Bồ-tát Đàm-vô-kiệt mà bày tòa ngồi cao, đặc biệt cung kính là để tìm cầu Phật đạo. Ông ấy tinh tấn dũng mãnh không ngừng nghỉ, không biếng nhác. Đắc được đạo thì ông ấy sẽ ra khỏi cõi của ta và độ thoát nhiều người không kể xiết. Hôm nay ta phải phá hoại ông ấy giữa chừng.”

Lúc ấy ma tệ ác phá hoại hết các tòa ngồi của các Bồ-tát, đều làm cho chúng cong queo. Ma tệ ác làm mưa cát, sỏi đá, gai góc, xương khô. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái thấy tòa ngồi cong queo, lấm lem bùn đất, họ tự nghĩ: “Hôm nay Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ ngồi thuyết pháp và các đệ tử đều đến nghe. Chúng ta phải quét dọn chỉnh đốn chỗ ngồi lại.” Họ liền cùng nhau quét dọn chỉnh đốn các tòa ngồi, rồi họ tự nghĩ: “Hôm nay mặt đất đầy bụi bặm, sợ bụi làm bẩn Thầy và các Bồ-tát, chúng ta phải cùng rưới nước.” Họ đi khắp nơi tìm nước nhưng không thể tìm được. Vì sao? Vì do ma làm ra tình cảnh đó. Họ lại thầm nghĩ: “Hôm nay chúng ta tìm nước mà không thể tìm được, chúng ta phải tự lấy máu của mình rưới lên đất mà thôi.” Bấy giờ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái đều tự lấy dao cắt khắp thân mình ra máu đem rưới lên đất. Do họ từ hiễu đối với kinh pháp nên Thích Đề-hoàn Nhân tự nghĩ: “Ở thế gian có người như vậy sao? Vì họ tinh tấn cung kính từ hiễu đối với Thầy dạy kinh!”

Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Bồ-tát Tát-đà-ba-luân ngợi khen rằng:

–Hay thay, hay thay! Hiền giả tinh tấn thật khó ai bì kịp. Do tinh tấn từ hiễu đối với Thầy nên chẳng bao lâu nữa sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Hiền giả có điều gì sai bảo xin cứ nói với chúng tôi, những người như ông, chúng tôi đều sẽ giúp đỡ, những điều muốn được thì chúng tôi sẽ cho.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân nói:

–Những điều tôi muốn được thì Thích Đề-hoàn Nhân phải tự biết thôi.

Thích Đề-hoàn Nhân liền biến đất thành lưu ly, trên đó có cát bằng vàng. Thích Đề-hoàn Nhân khiếncho thân thể của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái trở lại bình thường khỏe mạnh như cũ. Bốn phía chỗ ngồi hóa làm ao nước lưu ly. Giáp vòng bờ ao đều có lan can và thềm ao bảy báu. Hai bên thềm đều có cây trân bảo. Ngần ấy trăm thứ bày la liệt đẹp đẽ.

Lúc Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái rưới nước thì trời mưa xuống hoa Văn-đà-la, hoa Mạn-thù-nhan, hoa Maha Mạn-thù-nhan. Trời mưa đủ các thứ hoa nhiều đến bốn ngàn thạch (đơn vị đo lường). Thích Đề-hoàn Nhân lấy hoa ấy đem cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và bảo:

–Ông hãy đem những bông hoa đó cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và tung lên trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và các Bồ-tát và đem năm trăm chiếc áo trời dâng lên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên tòa.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền nhận hết các thứ đó rồi chú nguyện cho họ.

Lúc đó Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sau bảy năm từ Tam-muội xuất, đến trên tòa cao, cùng ngồi chung với bốn vạn ức Bồ-tát. Số người ngồi đời trước họ rất đông. Khi ấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái đều tung hoa, đồng thời đem bột thơm Chiên-đàn, bột thơm mật và đủ thứ trân bảo mịn tung lên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và các Bồ-tát. Trước các vị trên, họ đem đầu mặt lạy sát chân, rồi đi nhiễu quanh ba vòng, lùi về đứng yên. Họ chăm chú nhìn Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Lúc ấy, quanh đại hội của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt vuông vức bốn mươi dặm đều đầy cả người trong đó. Khi ấy Bồ-tát Đàmvô-kiệt xoay bốn hướng nhìn những người đến dự hội thì thấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái vì muốn được kinh pháp nên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đã vì Bồ-tát Tát-đà-ba-luân mà giảng nói Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói:

–Thiện nam tử, ông hãy lắng nghe! Các kinh pháp đều bình đẳng, Bát-nhã ba-la-mật cũng đều bình đẳng như vậy.

Các kinh pháp trước sau không thể kể, Bát-nhã ba-la-mật trước sau cũng không thể kể như vậy.

Trí tuệ Như Lai không có gì ngăn ngại, Bát-nhã ba-la-mật cũng không có gì ngăn ngại như vậy.

Ví như người do ảo thuật biến ra thì vô hình, Bát-nhã ba-la-mật cũng vô hình như vậy.

Ví như gió không có gì ngăn ngại, Bát-nhã ba-la-mật cũng không có gì ngăn ngại như vậy.

Các pháp trước sau không thể kể xiết, Bát-nhã ba-la-mật cũng không thể kể xiết như vậy.

Tất cả ngã sở đều đoạn trừ hết nên vốn tịnh, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn tịnh như vậy.

Ví như trong chiêm bao cùng người con gái liếc mắt đưa tình vốn không, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không như vậy.

Đối tượng được đặt tên vốn không, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không như vậy.

Nê-hoàn của A-la-hán là không, là không sinh, Bát-nhã ba-la-mật cũng là không, cũng là không sinh như vậy.

Như Lai Bát-nê-hoàn vốn bình đẳng không có khác, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn bình đẳng, không có khác như vậy.

Ví như đốt lửa, lửa tức thời diệt vốn không từ đâu lại và đi cũng không có chỗ đến, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không từ đâu lại và đi cũng không có chỗ đến như vậy.

Ví như trong chiêm bao thấy núi Tu-di vốn không, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không như vậy.

Ví như Phật hiện không thật có, Bát-nhã ba-la-mật hiện cũng không thật có như vậy.

Đời trước, vui sướng với nhau ở trong ái dục kể ra không thật có, Bát-nhã ba-la-mật kể ra cũng không thật có như vậy.

Tên người và tiếng tăm không thật có, Như Lai cũng không thật có. Đối với việc thấy đời trước là sở tác của ý niệm rồi nhân đó mà thấy. Sở tác ý niệm của Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không thật có như vậy.

Ví như nhà ảo thuật hóa ra hình tượng vốn không thật có, Bát-nhã ba-la-mật cũng vốn không thật có như vậy.

Ví như hư không chính là không chỗ trụ, Bát-nhã ba-la-mật cũng chính là không chỗ trụ như vậy.

Ví như huyễn sư học biến hóa thì không điều gì mà không thấu đáo, Bát-nhã ba-la-mật cũng không điều gì mà không thấu đáo như vậy.

Quá khứ, vị lai, hiện tại cũng chẳng thể hợp làm một, Bát-nhã ba-la-mật không có quá khứ, vị lai, hiện tại, phải biết rằng danh vốn vô hình, tự vốn vô hình, Bát-nhã ba-la-mật cũng không có chỗ nào chẳng đến, cũng không có chỗ nào chẳng vào, cũng không chỗ đến, cũng không chỗ vào. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật thì không, không thật có.

Ví như hư không không chỗ nào chẳng đến, không chỗ nào chẳng vào, mà cũng không có chỗ đến, cũng không có chỗ vào. Vì sao? Vì hư không vốn không có hình tướng, Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy. Bát-nhã ba-la-mật là Như thế.

Bát-nhã ba-la-mật cũng vào với đất, cũng vào với nước, cũng vào với lửa, cũng vào với gió, cũng vào với không, cũng vào với kia, cũng vào với đây, cũng vào với sắc, cũng vào với thống dương, cũng vào với tư tưởng, cũng vào với sinh tử, cũng vào với thức, cũng vào với người, cũng vào với thọ mạng, cũng vào với sinh, cũng vào với có đức, cũng vào với không đức, cũng vào với dục, cũng vào với chẳng dục, cũng vào với có, cũng vào với không, cũng vào với tướng, cũng vào với vô tướng, cũng vào ở trong nguyện, cũng vào ở trong vô nguyện, cũng vào ở trong sinh, cũng vào ở trong bất sinh, cũng vào với mặt trời, cũng vào với mặt trăng, cũng vào với tinh tú, cũng vào với A-tu-luân, cũng vào với Rồng, cũng vào với Quỷ thần, cũng vào với Kiện-đa-la, cũng vào với Ca-lưu-lặc, cũng vào với Chân-đà-la, cũng vào với Ma-hầu-lặc, cũng vào với La-sát, cũng vào với Cưu-viên (loài quỷ thần thân to lớn), cũng vào với Bệ-lệ (ngạ quỷ), cũng vào với cầm thú, cũng vào với Nê-lê (địa ngục), cũng vào với loài bò bay, cũng vào với loài máy cựa, cũng vào với loài kỳ hành (bò bằng bụng), cũng vào với hơi thở, cũng vào với nghèo hèn, cũng vào với giàu sang, cũng vào với Hiền giả, cũng vào với Tiên nhân, cũng vào với Tu-đà-hoàn, cũng vào với Tư-đà-hàm, cũng vào với A-na-hàm, cũng vào với A-la-hán, cũng vào với Bích-chi-phật, cũng vào với Bồ-tát, cũng vào với Phật, cũng vào với Nêhoàn, cũng vào với bốn Ý chỉ, cũng vào với bốn Ý đoạn, cũng vào với năm Căn, cũng vào với bảy Giác ý, cũng vào với tám Thánh đạo, cũng vào với hữu trí, cũng vào với vô trí, cũng vào với mười Lực, cũng vào với bốn Vô sở úy, cũng vào với kinh Phật, cũng vào với kinh sách thế gian, cũng vào với đồng bóng, cũng vào với chẳng đồng bóng, cũng vào với túc mạng, cũng vào với sở hành, cũng vào với không sở hành, cũng vào ở trong sinh tử luân hồi, cũng vào với khổ sở, cũng vào với chẳng khổ sở, cũng vào với tự tại, cũng vào với chẳng tự tại, cũng vào với độ thoát, cũng vào với chẳng độ thoát, cũng vào ở trong tốt, cũng vào ở trong chẳng tốt, cũng vào ở trong thiện, cũng vào ở trong bất thiện, cũng vào ở trong thông tuệ, cũng vào ở trong chẳng thông tuệ, cũng vào ở trong sáng suốt, cũng vào ở trong chẳng sáng suốt, cũng vào với quá khứ, cũng vào với vị lai, cũng vào với hiện tại hôm nay, cũng vào với khả kiến, cũng vào với bất khả kiến, cũng vào với giáo, cũng vào với pháp, cũng vào với hữu, cũng vào với vô sở hữu, cũng vào với tất cả hữu hình, cũng vào với tất cả vô hình.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–So sánh Như thế, Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân về chỗ vào của Bát-nhã ba-la-mật. Nói như vậy bảy ngày đêm, nhưng người nghe kinh vẫn cảm thấy như chừng thời gian một bữa ăn. Vì sao? Vì ân huệ của thần lực Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân nghe giảng nói Bát-nhã ba-la-mật thì rất vui mừng hớn hở và năm trăm người cùng đem áo trời và tám trăm thạch đủ các thứ châu báu dâng lên cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Thích Đề-hoàn Nhân đem hoa Ma-ha Văn-đà-la tung lên trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và các Bồ-tát để tăng thêm công đức. Bấy giờ tất cả cây cối trong một cõi nước của chư Phật như cây làm thuốc, cây ăn trái, các cây đủ thứ báu thảy đều nghiêng gập thân lại lễ bái Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Trời mưa hoa mật hương. Mùi hương hoa này nghe được trong cả một cõi nước của chư Phật. Tất cả mọi người nghe hương của hoa này, mỗi người đều từ xa thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đang ngồi trên tòa cao giảng nói kinh. Đồng thời họ còn thấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái. Lòng của mọi người đều vui vẻ dịu hiền, họ đều đảnh lễ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt từ xa, khắp trong đất nước đó đều chấn động. Bấy giờ mấy ngàn ức vạn người đều được vô số kinh pháp, chẳng thể kể xiết Bồ-tát đều đắc quả vị không thoái chuyển.

Con gái của ông trưởng giả và năm trăm người con gái đều bạch với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Chúng tôi nguyện làm tôi tớ cho Bồ-tát. Nguyện đem thân mạng này tự hướng về Bồ-tát. Nguyện làm kẻ sai khiếncủa Bồ-tát. Cùng nhau đem năm trăm cỗ xe chở trân bảo của mình dâng lên cho Bồ-tát. Vì sao? Vì hôm nay Bồ-tát vì chúng tôi nên rất khổ sở. Chúng tôi cúng dường Bồ-tát như Phật, không có khác. Chúng tôi nhờ ân lớn của Bồ-tát mới được nghe những lời hay của tôn kinh không có một chút hoài nghi dù là lớn bằng sợi lông, cộng tóc. Hôm nay chúng tôi đem thân này làm kẻ sai khiếncủa Bồ-tát Như thế, trải qua số kiếp mấy ngàn ức vạn kiếp còn chưa đủ để báo đền ân Bồ-tát trong chốc lát được nghe tôn kinh.

Lúc ấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân nhận hết năm trăm người con gái và năm trăm cỗ xe chở trân bảo. Vì đạo đức nên thọ nhận xong, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân muốn đem dâng lên cho Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Ông bạch với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Xin nguyện đem thân này tự dâng lên và đem năm trăm người con gái cùng năm trăm cỗ xe chở trân bảo dâng lên cho Đại sư. Xin Bồ-tát thương xót chúng con mà thọ nhận, sẽ khiếncho chúng con được công đức.

Khi đó Bồ-tát Đàm-vô-kiệt muốn cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân thành tựu công đức nên nhận hết năm trăm người con gái và năm trăm cỗ xe chở trân bảo. Bồ-tát nhận xong, đem trao trở lại cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và nói:

–Ông hãy nhận lấy năm trăm người con gái làm kẻ sai khiếnvà năm trăm cỗ xe chở trân bảo.

Chư Thiên trên cõi trời Đao-lợi đều ngợi khen:

–Hay thay, hay thay! Những sở hữu của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đều dâng hết cho Thầy. Ý đó khó được!

Bấy giờ hàng trăm ngàn vạn ức Thiên nhân cùng đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để nghe kinh. Lúc đó Bồ-tát Tát-đà-ba-luân rất vui mừng hớn hở, liền ở ngay tại trên chỗ ngồi đắc sáu vạn môn Tam-muội.

Những Tam-muội đó là gì?

Tam-muội Nguyện lạc, Tam-muội Oai nghi, Tam-muội Khuyến đức, Tam-muội Nguyệt mãn, Tam-muội Nhật quang diến, Tam-muội Như Lai hạnh, Tam-muội Tất niệm Phật, Tam-muội Bồ-tát sở hành, Tam-muội Nhạo trí tuệ, Tam-muội Độ thoát kiên trụ, Tam-muội Chư cảnh giới trung vô sở trụ, Tam-muội Quốc độ chủng chủng nghiêm nhập, Tam-muội Như Lai tướng vô tướng nhập, Tam-muội Thập phương nhân vô hình ấn phong, Tam-muội Như Lai xuất tọa, Tam-muội Vô sở úy lạc, Tam-muội Khí quyên trân bảo, Tam-muội Như Lai lực trang nghiêm, Tam-muội Chư kinh pháp tất minh lạc, Tam-muội Thuyết vô sở tùng lai giải sự, Tam-muội Tịnh như phạn nhân, Tam-muội Quá khứ vị lai hiện tại tất đẳng nhập, Tam-muội Bổn đoan đương lai đoan vô sở trụ, Tam-muội Trang nghiêm Phật tạng, Tam-muội Phật âm thanh hưởng tất thành. Ông đã đắc sáu vạn môn Tam-muội Như thế. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân từ Tam-muội xuất thì đắc trí tuệ lực, nhập hết vào trong kinh pháp của các Bồ-tát.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bạch với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Xin Bồ-tát thuyết giảng về âm thanh của Phật sẽ do đâu mà biết được?

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói với Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Này Hiền giả! Ông hãy nghe cho rõ! Ví như cây đàn không hầu chẳng phải do một việc mà thành được. Nó phải có cây, có trụ, có dây tơ và có người động tay gảy lên. Âm diệu hay của nó tự tại, muốn gảy khúc điệu nào mà chẳng được.

Này Hiền giả! Ông muốn biết âm thanh của Phật thì cũng Như thế. Bồ-tát bắt đầu phát tâm rồi đời đời tu hành, tạo tác công đức, đời đời giáo thọ, đời đời hỏi Phật sự… tập hợp các việc đó lại mới thành thân Phật. Âm thanh của Phật cũng giống như vậy. Những pháp ấy đều từ nhận duyên khởi, cũng chẳng thể từ hạnh Bồ-tát mà được, cũng chẳng thể từ thân Phật mà được, cũng chẳng thể lìa thân Phật mà được. Này Hiền giả! Muốn biết âm thanh của thân Phật thì hợp chung các việc đó thì mới đắc Phật.

Lại nữa, này Hiền giả! Ví như người giỏi thổi ống sáo dài. Âm diệu hay của ống sáo ấy cùng lời ca hòa nhập với nhau. Ống sáo ấy vốn làm bằng trúc, rồi có người khéo thổi, các việc ấy hợp lại thì tiếng sáo kia mới bi ai. Thành được thân Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng chỉ do một việc, chẳng do hai việc mà thành. Thành được thân đó là do ngần ấy hàng trăm hàng ngàn việc hoặc do nhiều đời tạo tác công đức. Bản nguyện đã đạt được cũng lại do nhiều đời dạy bảo cho người. Vì thế nên thành thân tướng của Phật và các vẻ đẹp hiện ra hết như vậy. Ví như sau khi Phật Bát-nê-hoàn, có người tạo hình tượng Phật. Mọi người thấy hình tượng Phật không ai chẳng quỳ lạy cúng dường vì tượng ấy đoan chính đẹp đẽ y như Đức Phật không có khác. Mọi người trông thấy, không ai chẳng xưng tán, không ai chẳng đem hương, hoa, lụa là năm màu sắc cúng dường. Hiền giả nói có thần ở trong bụng Phật ấy chăng?

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đáp:

–Chẳng có thần ở trong bụng đó. Sở dĩ tạo tượng Phật là chỉ muốn cho mọi người được phước mà thôi. Chẳng do một việc mà thành tượng Phật, cũng chẳng do hai việc mà thành. Có vàng, có người thông tuệ, hoặc có người thấy Phật lúc còn tại thế, sau khi Phật Bát-nê-hoàn vì nghĩ nhớ đến Phật nên làm ra tượng, muốn khiếncho ở thế gian cúng dường để đạt phước.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân thưa với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Sau khi Phật Bát-nê-hoàn nên tạo tượng vậy!

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói:

–Theo lời Hiền giả nói, thành thân Phật cũng giống như vậy chẳng do một việc, cũng chẳng do hai việc, mà do hàng trăm ngàn việc. Có người khi xưa vì cầu thành Phật nên tu hạnh Bồ-tát. Người đó hoặc thường thấy Phật và làm các công đức vì thế nên thành tựu được thân Phật, trí tuệ biến hóa, phi hành và thành các tướng tốt, thành Phật là Như thế!

Này Hiền giả! Ông hãy nghe nữa. Ví như tiếng trống chẳng do một việc, chẳng do hai việc làm thành, phải có thợ, có da thuộc, có dùi, có người đánh thì mới phát ra tiếng.

Này Hiền giả! Muốn biết Phật chẳng do một việc, hai việc mà phải do ngần ấy ngàn vạn việc mới thành. Có người mới phát tâm có sáu hạnh Ba-la-mật, hiểu biết các pháp vốn không, pháp vốn không là việc không từ đâu sinh ra. Ngồi dưới cội cây hàng phục chúng ma, các kinh pháp thảy đều hiểu biết như huyễn không có khác vì thế nên thành tựu thân Phật.

Này Hiền giả! Ông hãy nghe nữa. Ví như vẽ người thì phải có vách, có màu, có họa sĩ, có bút, hợp các việc đó lại mới vẽ thành hình người được. Muốn biết thân Phật, chẳng do một việc, hai việc mà phải do trăm ngàn việc mới thành. Bồ-tát có bổn hạnh bố thí, có trì giới chẳng vi phạm mười việc thiện thường theo thầy lành, thường có tâm bình đẳng nghĩ đến mọi người ở khắp mười phương, không có người nào có thể phá hoại được, đời đời thấy Phật, nghe việc làm của hạnh Bồ-tát kiên trì chẳng quên, đời đời chẳng dua nịnh, thường hành chí thành. Này Hiền giả! Muốn biết thành thân Phật là như vậy đó!

Này Hiền giả! Ông hãy nghe nữa. Ví như chỗ dừng nghỉ của trời Sắc cứu cánh là Quán điện, ánh sáng của nó chiếu khắp trên trời hết sức đẹp đẽ. Điện ấy như điện xá trên trời cũng chẳng tự làm, cũng không có người đem lại, cũng không có người tạo tác, vốn không từ đâu lại, cũng không đi đến đâu, do nhân duyên sinh. Những Thiên nhân ấy vốn tạo công đức mà đạt được. Do họ ở thế gian này bố thí nên được sinh lên cõi ấy, dừng nghỉ tại trong điện xá. Do đó các vị ấy được hưởng dụng Thiên cung.

Này Hiền giả! Muốn biết nhân duyên sinh ra thân Phật thì do người thế gian muốn được thấy Phật, người ấy đời trước có công đức nên không bị sinh vào chỗ tám ác (bát nạn) mà người ấy còn được thông tuệ, tin Phật.

Này Hiền giả! Muốn biết thành thân Phật thì thân Phật vốn không từ đâu lại cũng không chỗ đến, không có người tạo tác, cũng không có người đem đến, vốn không có hình, cũng không có dính mắc như cung điện trên trời Sắc cứu cánh. Sở dĩ Phật hiện thân là vì muốn độ thoát mọi người ở thế gian.

Này Hiền giả! Ông hãy nghe nữa. Ví như tiếng vang trong núi chẳng do một việc, chẳng do hai việc có thể thành, mà phải có núi, có người, có tiếng gọi, có tai nghe, tập hợp các việc ấy lại mới thành tiếng vang.

Này Hiền giả! Muốn biết thành thân Phật thì cũng giống như vậy, không có hình, cũng không có dính mắc, do nhân duyên sinh, đời đời thấu hiểu nghĩa không, tu tập về không. Tất cả sinh tử, không sinh tử đều là nhân duyên. Trí tuệ Phật hiểu rõ vốn không có sinh tử, vốn cũng không có Bát-nê-hoàn. Phật thị hiện ở thế gian này thuyết pháp Như thế. Này Hiền giả! Muốn biết thân Phật là như thế đó.

Này Hiền giả! Ông hãy nghe nữa. Ví như nhà ảo thuật hóa ra một người đoan chánh đẹp đẽ như là Chuyển luân thánh vương không có khác. Mọi người nghe lời vua nói, không ai là không hân hoan. Nếu có người cầu xin vàng bạc thì vua cho vàng bạc với lòng thương yêu quý trọng, người cần áo chăn thì cho áo chăn. Thánh vương ở trong mọi người, vua ngồi, đứng, bước đi đều an tường. Mọi người nhìn thấy không ai chẳng cung kính lễ bái. Người do ảo thuật hóa ra chẳng do một việc, hai việc làm thành mà phải có chú thuật, có người tụ hội, theo sự vui thích của người mà hóa hiện. Trong số đó có người thông tuệ đều biết đó là người được biến hóa ra. Sự hóa hiện này không từ đâu lại cũng không chỗ đến. Biết nó vốn không chỉ do biến hóa làm ra. Người thông tuệ tuy cung kính lễ bái mà chẳng đắm trước.

Này Hiền giả! Muốn biết thành thân Phật là do nhân duyên làm ra như vậy, do hàng trăm ngàn việc hợp chung mà thành. Có hạnh Bồ-tát, có công đức, có tùy hỷ công đức khiếncho mọi người ở khắp mười phương được an ổn, đầy đủ nguyện của Bồ-tát. Muốn biết thành thân Phật là như vậy đó.

Này Hiền giả! Muốn biết Đức Phật vì người nên đã phân bố kinh, trao cho vô số người mà mỗi mỗi đều khiếnhọ hành thiền Tam-muội, tư duy phân biệt. Phật vì người mà thuyết kinh mỗi mỗi đều khiếncho họ học. Như vậy chư Thiên, nhân dân nghe pháp không ai chẳng vui mừng. Trong số đó có người kiêu ngạo, có người chẳng biết hổ thẹn, có người dâm loạn, có người tham lam keo kiệt, có người ngoan cố, có người tự dụng, có người ưa chiến đấu, có người chẳng chịu nghe lời can gián, có người bị dâm, nộ, si che phủ, có người làm ác chẳng thể kể xiết. Đức Phật đoan chánh đẹp đẽ ở giữa mọi người ngồi, đứng, bước đi an ổn. Đức Phật là bậc đã dứt hết các điều ác, chỉ có các đức. Đức Phật đều khiếncho mọi người được an ổn. Đức Phật cũng tự làm Phật sự. Đức Phật vốn tự rỗng không, không có đắm trước. Như người do ảo thuật hóa ra, cũng vậy, Bồ-tát hiện thân đoan chánh đẹp đẽ, tuy thấy đó mà không đắm trước, cũng không có các ý tưởng, tuy biết đó không thật mà vẫn cung kính lễ bái, cúng dường không cùng cực.

Này Hiền giả! Muốn biết chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hôm nay đều từ hàng ngàn vạn việc, mỗi mỗi đều do nhân duyên sinh. Bồ-tát phải nghĩ Như thế, phải tu tập Như thế, phải giữ gìn Như thế. Bồ-tát hành như thế thì mau được thành Phật.

Lúc Bồ-tát Đàm-vô-kiệt nói về thân Phật thì bốn vạn tám ngàn Bồ-tát liền hiểu được hạnh tận tín, trăm ức Bồ-tát đều được các pháp Đà-lân-ni, hai trăm ức Bồ-tát được khả năng giải đáp mọi nghi vấn không chút ngần ngại, bốn trăm ức Bồ-tát đều đắc Bồ-tát không thoái chuyển, tám vạn ức Bồ-tát đều đắc A-xà-phù hành trụ pháp. Bấy giờ trời mưa hoa Văn-đà-la, hoa Ma-ha Văn-đà-la lên trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và các Bồ-tát.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt vận dụng oai thần khiếncho các thứ âm nhạc trong khắp cả cõi nước Phật đều tự trổi lên. Hàng ngàn vạn Thiên nhân từ trong hư không tung thiên y như mưa lên trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt và các Bồ-tát. Chư Thiên trong hư không trổi âm nhạc chung với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Rất nhiều Thiên y ngay hàng thẳng lối che trùm cả cõi nước Phật. Hương mật cõi trời được đốt lên phân tán khắp nơi. Đất đai trong một cõi nước Phật đều rung động. Các Bồ-tát đều thấy vô số Đức Phật ở khắp mười phương. Đồng thời chư Phật từ xa ngợi khen Bồ-tát Đàm-vô-kiệt rằng: “Hay thay, hay thay!”

Lúc đó các Đức Phật thọ ký cho Bồ-tát Tát-đà-ba-luân sẽ được thành Phật ở đời vị lai, hiệu là Ca-ma-ca-đề-pha-la-da Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Khi vị ấy thành Phật chính hiệu là như vậy. Năm trăm người con gái về sau dần dần cũng được thành Phật. Như vậy thì vào đời Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, năm trăm người con gái liền hóa thành nam tử. Về sau, họ đời đời được sinh ra chẳng lìa cõi nước chư Phật. Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và năm trăm người con gái đời đời thường có tài cao thường giáo hóa người trong thiên hạ.

Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:

–Nếu có Bồ-tát đang muốn được thành Phật hoặc thấy Đức Phật đang tại thế hoặc sau khi Phật Bát-nê-hoàn mà muốn tìm cầu Bát-nhã ba-la-mật thì phải thường tinh tấn, phải thường cung kính Bát-nhã ba-la-mật, phải như Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đó.

Phẩm 30: CHÚC LỤY

Đức Phật lấy tay vỗ vai A-nan ba lần và nói với A-nan:

–Ta chúc lụy cho ông Bát-nhã ba-la-mật, hãy ghi nhớ kỹ càng. Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật này đã chúc lụy cho ông. Ông phải ghi nhớ kỹ càng tỏ rõ từng chữ, ghi chép kỹ càng tỏ rõ chớ để thiếu sót. Lúc biên chép phải nhìn kỹ, chớ ngó tả hữu. Tất cả đều e sợ đang lúc làm việc này có trở ngại. Hãy kỹ càng đừng để kinh này bị thiếu sót một chữ.

Này A-nan! Ta chúc lụy cho ông Bát-nhã ba-la-mật này. Vì sao? Này A-nan! Vì kinh này là kinh tạng vô tận của các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại. Kinh này trấn các pháp, các kinh khác đều từ kinh này sinh ra. Này A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại hôm nay đã vì mọi người giảng nói kinh, đã làm ra kinh quyển chẳng thể kể xiết và đủ thứ trí tuệ khác. Bao nhiêu thứ kinh điển mà mọi người thấy được thì đem lại bấy nhiêu sự hoan hỷ, mỗi người đều theo đó tu hành. Những điều nói về con đường vào trí tuệ của mọi người là những điều Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hôm nay nói. Tất cả những kinh pháp ấy đều xuất phát từ trong tạng Bát-nhã ba-la-mật.

Này A-nan! Ngần ấy thứ tướng được thấy, đủ thứ sở hành, ngần ấy thứ căn cơ, ngần ấy thứ thông minh, ngần ấy thứ ngu si, ngần ấy thứ trí tuệ. Tất cả mọi sự mong cầu cho đến sự mong cầu về trí tuệ của mọi người, Như Lai đều biết là từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Các trí tuệ sáng suốt đó, thân ta đó đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông kính lời của ta. Nếu kính ái thừa sự ta thì tự thân ông đã cung kính đối với Phật, ông có lòng kính yêu đối với Phật, ông có lòng hiễu thuận đối với Phật. Mọi sự cung kính đối với Phật, ông đem lòng kính yêu hiễu thuận này cung kính đối với Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy, này A-nan! Ông cung kính pháp này tức là đã cúng dường chư Phật rồi.

Này A-nan! Ta đem pháp này phó chúc cho ông. Những điều ông phải làm đều đã làm rồi. Thân ông cũng có kính yêu, miệng ông cũng có kính yêu, tâm ông cũng có kính yêu. Ông có lòng hiễu thuận đối với Phật, chẳng nói không có hiễu thuận. Thân ông thường được gặp Phật đúng lúc, chẳng nói chẳng đúng lúc. Miệng ông thường nói đúng như pháp, chẳng nói chẳng đúng như pháp. Tâm ông thường tịnh khiết không có vết nhơ. Ông thấy Phật, chẳng nói chẳng thấy Phật, như vậy là ông đã báo ân Phật rồi. Ta nói với ông, này A-nan! Ở trong Bát-nhã ba-la-mật này quên mất một chữ, mà ông bỏ, ông buông đi chẳng chép thì ông không có lòng hiễu thuận đối với Phật. Ông chẳng còn được thấy ta nữa.

Này A-nan! Ông đã không còn vâng theo lời Phật dạy. Này Anan! Ông đã chẳng còn thừa sự ta nữa.

Đức Phật nói với A-nan:

–Sự cung kính của ông đối với Phật từ trước đến nay hoàn toàn không còn là cúng dường Phật nữa. Nếu như từ trong Bát-nhã ba-la-mật mà quên mất một câu, một lời rồi bỏ qua thì đã là bội ân Phật.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông phải ghi nhớ kỹ càng Bát-nhã ba-la-mật này, phải đem lòng kính yêu hiễu thuận đối với Phật mà đối với giáo pháp này.

Ông phải vì tất cả giáo pháp của các Đấng Thiên Trung Thiên quá khứ, vị lai, hiện tại mà cúng dường. Nếu các Bồ-tát thực hiện lòng thương rộng lớn đối với các hữu tình thì ông phải coi các vị ấy như Phật. Ông cung kính pháp của chư Phật là ông đã gần gũi hộ trì Phật tạng. Ông phải ghi nhớ kỹ càng như thế đối với Bát-nhã ba-la-mật. Ông phải nắm lấy kỹ càng chớ để sót mất một chữ. Sau khi Phật Bát-nê-hoàn, ông phải hộ trì kinh này chớ để thiếu sót. Ông phải đem trao Kinh tạng của chư Phật này cho Đại Bồ-tát.

Này A-nan! Chính tay ta giao phó cho ông. Ông phải đem trao cho Đại Bồ-tát thọ trì pháp này.

Này A-nan! Công đức của Bồ-tát tạo ra phá tan lao ngục sinh tử đau khổ. Những kẻ vô tri bị trói buộc đều được giải cứu. Các ma và bè lũ của chúng đều bị hàng phục. Các pháp thuộc về dục đều bị trừ khử. Vị ấy chiùnh thức bước lên chỗ ngồi của Phật làm Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã thành Phật đạo thì khai giải cho kẻ không mù tối, kẻ ngu si.

Đức Phật nói với A-nan:

–Đó là đại đạo chiùnh yếu bậc nhất, không có cái đạo chiùnh yếu thứ hai, đó là trí tuệ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là yếu quyết Bát-nhã ba-la-mật.

Đức Phật nói với A-nan:

–Sau khi ta Bát-nê-hoàn, ông giáo hóa hết dân chúng trong khắp tam thiên đại thiên thế giới vào trong kinh pháp, đều khiếnhọ thành tựu được đạo A-la-hán. Mỗi ngày ông giáo hóa số người như thế trải qua một kiếp hoặc một trăm kiếp. Ông vì họ giảng nói kinh pháp khiếncho họ được Bát-nê-hoàn. Tuy thế, ông thường chẳng thừa sự đầy đủ đối với ta, chẳng bằng ông đem một câu trong Bát-nhã ba-la-mật dạy Bồ-tát học. Ông làm như thế là thừa sự Phật đầy đủ, là cúng dường đầy đủ.

Đức Phật dạy:

–Hôm nay ở đây ta khen ngợi ông, chúc lụy Bát-nhã ba-la-mật đến một kiếp, trăm kiếp cũng chẳng thể nói hết. Ta nay chỉ nói đại khái mà thôi.

Đức Phật nói với A-nan:

–Hôm nay ta hỏi ông, ông phải trả lời.

Đức Phật từ trong ca-sa đưa ra cánh tay sắc vàng. Ngài đưa bàn tay hữu đặt lên đầu A-nan, xoa đầu A-nan rồi đặt tay lên vai A-nan và nói:

–Này A-nan! Thế nào, ông có lòng kính yêu đối với Phật chăng?

A-nan thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, tự Ngài phải biết!

Hỏi đáp như vậy đến ba lần.

Đức Phật lại hỏi A-nan:

–Này A-nan! Thế nào, ông có lòng hiễu thuận đối với Phật chăng?

A-nan thưa:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, tự Ngài phải biết!

Hỏi đáp như vậy đến ba lần.

Đức Phật bảo:

–Đúng vậy, này A-nan! Ông có lòng kính yêu đối với Phật. Vì để báo ân Phật, này A-nan! Ông phải hết sức tôn trọng cung kính Bát-nhã ba-la-mật. Ông phải kính yêu đối với từng câu kinh này. Từng câu ghi nhớ trong lòng phải thật rõ ràng. Những ý nghĩ khác ở trong lòng đều phải bỏ hết. Hãy đặt hết tâm ý vào Bát-nhã ba-la-mật mà chép kinh này ngay từ chữ đầu tiên. Khi có người thọ trì, người học tập thì ông phải truyền trao kỹ càng cho Đại Bồ-tát. Ông phải trao cho họ kinh quyển bằng giấy lụa bền đẹp, chép khéo, câu kinh trên dưới tương xứng. Lúc biên chép phải chọn bút tốt, chép trên giấy lụa đẹp. Phải tự hướng về kinh quyển thừa sự, lễ bái, cúng dường bằng hương bột thơm quý, hương tạp, trạch hương, lụa là năm màu sắc, lọng đẹp, cờ phướn… Tất cả như hương của cõi trời hòa lẫn trong dầu mè. Dầu mè tinh khiết, bấc đèn tốt, tự hướng về Bát-nhã ba-la-mật rồi cúi lạy đầu mặt sát đất, rồi lui về thắp đèn lên, càng thêm cung kính, lễ bái, thừa sự.

Khi nói kinh Bát-nhã ba-la-mật này, Đức Phật ngồi ở chính giữa các đệ tử trong núi Kỳ-xà-quật gần thành La-duyệt-kỳ.

Đức Phật thành đạo năm ba mươi tuổi, ngày rằm tháng chạp, sau bữa ăn, Ngài nói kinh xong, các đệ tử, các Bồ-tát, chư Thiên, các A-tu-luân, các Rồng, Quỷ thần, các dân chúng đều rất hân hoan đảnh lễ Phật rồi lui về.

KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT



previous.png

MỤC LỤC



Uploaded on 2018/10/14

 

 

google-site-verification=Iz-GZ95MYH-GJvh3OcJbtL1jFXP5nYmuItnb9Q24Bk0