佛山* Buddha Mountain * Phật Sơn

Calgary Alberta Canada

[中文ENGLISH]

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH | LIÊN LẠC ]

KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.

QUYỂN 7

Phẩm 17: QUÁN

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là bốn Ý chỉ.

Thế nào là bốn Ý chỉ? Tự quán trong thân, chẳng cùng thân tương ưng, cũng chẳng tưởng niệm, cũng chẳng đắc thân. Quán ngoài thân, chẳng cùng thân tương ưng, cũng chẳng tưởng niệm, cũng chẳng đắc thân. Khi ấy an tường điều ngự tâm ý, thấy thế gian là vô minh sầu não. Quán thọ (thống dương) tâm, pháp bên trong, khi ấy an tường điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não. Quán thọ bên ngoài chẳng cùng thọ tương ưng, cũng không tưởng niệm, cũng chẳng đắc thân. Quán tâm (tư tưởng) bên trong chẳng cùng tâm tương ưng, cũng không tưởng niệm, chẳng đắc tâm (tư tưởng). Quán tâm bên ngoài, chẳng cùng tâm tương ưng, cũng không tưởng niệm, cũng chẳng đắc tâm. Quán pháp bên trong, chẳng cùng pháp tương ưng, cũng không tưởng pháp, cũng chẳng đắc pháp. Quán pháp bên ngoài, chẳng cùng pháp tương ưng, cũng không nghĩ pháp, cũng chẳng đắc pháp. Khi ấy tịch nhiên điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát quán trong thân như thế nào? Khi ấy Đại Bồ-tát biết sở hành của tâm; hoặc đứng, hoặc đã đứng, cũng biết; đã ngồi, sẽ ngồi, cũng biết; đi, nằm, đã sẽ đi, nằm cũng như thân đang ở đâu, đến đâu đều biết hết. Đó là Đại Bồ-tát quán nội thân. Khi đó an tường điều ngự tâm ý thấy thế gian là pháp vô minh sầu não.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đi lại an tường, quán sát, nhìn xem chẳng vội vàng. Bước, dừng, co, duỗi, mặc y, mang bát, ăn uống, nằm ngủ, nghỉ ngơi đều hành theo luật. Đi lại, ngồi xuống, đứng lên, ngủ, dậy, nói năng, thong thả, đàng hoàng, ưa ở chỗ thanh vắng, tâm không rong ruổi.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật tự quán nội thân, chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát chuyên nhất tâm ý, quán hơi thở ra vào, hơi thở dài, hơi thở ngắn cũng đều biết hết; hơi thở gần hoặc xa cũng đều biết hết; hơi thở chậm hoặc nhanh cũng đều biết hết; hơi thở dồn dập hoặc điều hòa cũng đều biết hết. Ví như Chuyển luân thánh vương biết cõi nước dài ngắn, rộng hẹp. Ví như thợ gốm làm ra đồ đựng biết bao lớn nhỏ, sâu rộng.

Này Tu-bồ-đề! Cũng Như thế, Đại Bồ-tát biết hơi thở ra vào, dài ngắn, chậm nhanh, cương nhu. Đại Bồ-tát quán nội thân như thế biết an tường điều ngự tâm mình khiếnthuận pháp giáo.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát quán nội thân, chễ ngự tâm ý thấy thế gian là pháp vô minh sầu não.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tự quán bốn phần đại chủng trên thân mình: thân này có các thứ đất, nước, lửa, gió. Giống như người đồ tể cầm dao bén giết chết trâu, chặt làm bốn đoạn, rồi ngồi quan sát, thì thấy không có trâu, mà do nhân duyên hợp thành.

Này Tu-bồ-đề! Cũng Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tự quán thân mình, thân có những thứ này tức là đất, nước, lửa, gió. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tự quán nội thân cũng chẳng thấy thân, cũng không thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tự quán sát thân mình từ đầu đến chân: Có thân tóc, tủy, não đầy dẫy sự nhơ nhớp bất tịnh. Có thân này thì có tóc, lông, móng, răng, da, gân, mạch, xương, đốt, ruột, bao tử, bụng, gan, phổi, tim, thận, ngũ tạng, máu, thịt, mỡ, tủy, nước mắt, nước miếng, đại tiện, tiểu tiện nhơ nhớp bất tịnh. Thí như nhà nông dùng bao đựng đủ loại ngũ cốc như mè, gạo, thóc, đậu, đại mạch, tiểu mạch, lúa. Người sáng mắt đổ ra trên đất, phân biệt biết hết: Đây là mè, đây là gạo, đây là đậu, thóc, đây là lúa…

Này Tu-bồ-đề! Cũng Như thế, Đại Bồ-tát biết thân này từ chân đến đầu gồm có tóc, lông, móng, răng, da, gân, mạch, xương đốt, ruột, bao tử, bụng, gan, phổi, tim, thận, ngũ tạng, máu, thịt, mỡ, tủy, nước miếng, đại tiện, tiểu tiện dơ bẩn bất tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát quán nội thân, điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nay quán thân người chết tiếp xúc lạnh nóng, hoặc đã một ngày, hoặc ba bốn ngày, năm ngày. Thân ấy sình chướng, sắc da biến thành màu xanh, thối vữa, máu mủ chảy ra. Xét thân này chẳng thể lìa pháp vô thường.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát tự quán nội thân, biết rồi, an tường điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nay quán người chết tiếp xúc lạnh, nóng, mặt trời thiêu đốt, gió thổi. Sau khi chết một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, bị chim quạ mổ ăn, chồn, sói, gấu, hổ, báo, cú vô, chó ăn thịt, vô số loài trùng từ thân sinh ra rồi lại rúc rỉa thân thể. Vị ấy tự quán sát chỗ mà thân đi đến thì thấy vô thường, phân tán ly biệt, không ai thoát được điều này. Tự quán thân nội, điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng không thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát quán thân người sau khi chết (vô thường), tiếp xúc lạnh, nóng, mặt trời thiêu đốt, gió thổi, sình chướng, xanh bầm, chim thú mổ xẻ, hôi thối bất tịnh, trở lại quán thân mình cũng sẽ như vậy, điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng không thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát quán thân người sau khi chết, tiếp xúc nóng, lạnh, mặt trời thiêu đốt, gió thổi, chỉ còn xương đốt dính liền, giống như vòng xích, thịt bủn, máu đông, gân buộc, da che, rồi tự quán thân mình, điều ngự tâm ý thấy thế gian là pháp vô minh, sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát quán thân người sau khi chết, chỉ còn xương trắng liền nhau, trước kia cũng có máu mạch, da thịt, gân tủy. Nay quán thân thể này cũng chỉ Như thế, phân tán biệt ly, đó là pháp vô thường, không ai thoát khỏi.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát quán thân rồi, điều định tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát quán thân người thấy xương tủy gân tan nát, phân tán, hòa trộn với đất, quán sát như thế thấy thân thể này cũng giống như vậy. Tự quán nội thân, điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát quán thấy xương phân tán trên mặt đất khắp cả Đông, Tây, Nam, Bắc, xương chân một nơi, xương đầu gối, bánh chè, cổ, nhực, sườn, đầu sọ mỗi thứ mỗi ngã. Quán sát Như thế, biết nay thân thể này cũng giống Như thế, chân tay phân tán, biệt ly, đây là pháp vô thường, không ai thoát khỏi điều này. Bồ-tát quán nội thân, điều ngự tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thấy có.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát lại quán thân chết đã lâu, xương tan trên đất, trải qua nhiều năm chẳng thể tính đếm, cũng khó suy lường xương xanh tan nát, lẫn lộn với bụi đất. Nay thân này cũng giống Như thế, phân tán biệt ly. Đây là pháp vô thường, không có ai thoát khỏi.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát tự quán thân, điều định tâm ý, thấy thế gian là pháp vô minh sầu não, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thấy có. Quán thọ, tâm, pháp cũng lại Như thế, rồi hộ trì hướng dẫn, sách tấn người mới phát tâm, thực hiện phép quán vô thường, dần dần nhập pháp không mới biết vô bổn. Người vì phát ý thành đạt thì quán nội ngoại thân, cũng không có thân. Quán nội ngoại tâm (tưởng), cũng không có tâm. Quán nội ngoại pháp, cũng không có pháp, cũng không có đối tượng quán sát, cũng không thấy có, đạo chẳng lìa tục, tục chẳng lìa đạo, cả hai đều không, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Đại thừa là bốn Ý đoạn.

Những gì là bốn Ý đoạn? Đó Đại Bồ-tát đối với các việc ác bất thiện chưa phát sinh, nếu phát sinh thì chận đứng khiếnkhông sinh, ân cần tinh tấn nhiếp phục tâm ý, làm cho dứt trừ các điều xấu. Các việc ác bất thiện, phi pháp vừa móng khởi, liền dứt trừ, ân cần tinh tấn, tự nhiếp phục tâm, khiếncho bình đẳng loạn trừ. Các gốc thiện đức nếu phát khởi mà bị cắt đứt thì phải cần tinh tấn cứu giúp tâm ấy, bình đẳng giải thoát. Pháp thiện đã phát sinh thì giữ vững không để mất, tư duy đầy đủ, rộng khắp khiếncàng thêm lợi ích an lạc, ân cần tinh tấn nhiếp hộ tâm ấy, bình đẳng giải thoát, có sở đắc, không sở đắc cũng đều không thấy.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là năm Căn: Tín căn, Tinh tấn căn, Ý căn, Định căn, Tuệ căn. Đó là Đại Bồ-tát hành Đại thừa, có sở đắc, không có sở đắc, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là năm Lực. Những gì là Năm Lực? Tín lực, Tinh tấn lực, Ý lực, Định lực, Tuệ lực. Đó là Đại Bồ-tát hành Đại thừa, có sở đắc, không có sở đắc, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là bảy Giác ý.

Những gì là bảy Giác ý? Này Tu-bồ-đề, đó là Đại Bồ-tát chuyên tu Tư giác ý, nương vào sự tĩnh lặng, không có tham dục, cũng không chỗ nương, dứt tranh tụng, bỏ các pháp. Đó là Tư giác ý. Lại hành Tinh tấn giác ý, nương vào sự tĩnh lặng, không có tham dục, cũng không chỗ nương, dứt tranh tụng, bỏ các pháp. Đó là Tinh tấn giác ý. Lại hành Duyệt dự giác ý, hành Tín giác ý, hành An giác ý, hành Định giác ý, hành Quán giác ý, nương vào sự tĩnh lặng, không có tham dục, cũng không chỗ nương, dứt tranh tụng, bỏ các pháp. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát hành bảy Giác ý, có sở đắc, không có sở đắc, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là tám Thánh đạo.

Những gì là tám Thánh đạo? Chánh kiến, Chánh niệm, Chánh ngữ, Chánh trị, Chánh nghiệp, Chánh phương tiện, Chánh ý, Chánh định. Đó là tám pháp Thánh đạo, có sở đắc, không có sở đắc, cũng chẳng thể nắm bắt được. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là Ba phẩm Tam-muội. Những gì là ba? Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô nguyện.

Sao gọi là Tam-muội Không? Pháp tướng là không. Không là môn giải thoát tức là Vô tướng. Cái Vô tướng ấy tức là môn giải thoát. Cái có sở hành ấy là không có sở hành. Đó là môn giải thoát Vô nguyện.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát. Đã đạt được pháp này rồi, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát nên phân biệt, hiểu rõ Tập để quyết đoán Diệt tận, hiểu rõ thánh đạo. Biết sự diệt tận thì biết không chỗ khởi, hiểu rõ các pháp, phân biệt vô ngã, hiểu rõ sự kết cuộc nhu hòa, tự biết tâm mình biết tâm người. Đó gọi là tuệ.

Sao gọi là phân biệt? Đối với khổ biết khổ, không từ đâu sinh, cũng không chỗ khởi. Đó là phân biệt Khổ.

Sao gọi là hiểu rõ Tập? Đó là diệt trừ nguyên nhân, khiếnchẳng sinh lại.

Sao gọi là quyết đoán Diệt tận? Đó là khổ đã hết, khiếnkhông còn gốc rễ.

Sao gọi là biết rõ Thánh đạo? Đó là pháp tám Thánh đạo.

Sao gọi là biết sự diệt tận? Đó dâm, nộ, si, diệt.

Sao gọi là biết không chỗ khởi? Đó là trí tuệ không từ đâu sinh khởi.

Sao gọi là hiểu rõ pháp tuệ? Đó là trí tuệ dứt sinh tội phước do năm ấm tạo ra.

Sao gọi là phân biệt vô ngã? Đó là sắc vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý chẳng phải là sở hữu của ngã; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chẳng phải là sở hữu của ngã; nhãn sắc thức, nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân xúc thức, ý pháp thức cũng chẳng phải là sở hữu của ngã.

Sao gọi là hiểu rõ kết cuộc nhu hòa? Đó là có sự than thở thì có nhiều sự phát sinh.

Sao gọi là tự biết tâm mình? Đó là tự biết căn nguyên xưa nay.

Sao gọi là biết tâm người? Đó là có thể phân biệt được tâm niệm của người khác, của chúng sinh.

Sao gọi là Như sở tuệ tâm? Đó là trí Nhất thiết của Như Lai, là trí Nhất thiết Như Lai đã đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là ba căn. Đó là Dị nhân căn, Dị căn, Biệt căn.

Sao gọi là Dị nhân căn? Đó là có các học sĩ chưa đắc bình đẳng về Tín căn, Tinh tấn căn, Ý căn, Định căn, Tuệ căn. Đó gọi là Dị nhân căn.

Sao gọi là Dị căn? Các học sĩ ấy không có niềm tin khác với Tín căn, Tinh tấn căn, Ý căn, Định căn, Tuệ căn. Đó là Dị căn.

Sao gọi là Biệt căn? Đó là người chưa học mà đã phát ý lớn về Tín căn, Tinh tấn căn, Ý căn, Định căn, Tuệ căn. Đó là Đại Bồ-tát có biệt căn Đại thừa, có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là định bình đẳng. Định này có ba là Tam-muội hữu tưởng hữu hành, Tam-muội vô tưởng hữu hành, Tam-muội vô tưởng vô hành.

Sao gọi là Tam-muội hữu tưởng hữu hành? Thoát khỏi các dục, tịch nhiên diệt trừ các pháp ác bất thiện, có tưởng, có hành, hành tịch tĩnh thứ nhất. Đó là Tam-muội có tưởng có hành.

Sao gọi là Tam-muội vô tưởng hữu hành? Đó là trong tâm không tưởng có hành, cũng không chấp trước, đạt đến tịch tĩnh thứ hai, cũng không trong ngoài. Đó là Tam-muội vô tưởng hữu hành.

Sao gọi là Tam-muội vô tưởng vô hành? Vượt qua tịch tĩnh thứ hai, thứ ba, vượt qua định vô lượng hữu tuệ, vượt qua định vô lượng thức tuệ, vượt qua định vô lượng bất dung tuệ, vượt qua định vô lượng hữu tưởng vô tưởng, thì đó là vô tưởng vô hành.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là hành mười niệm. Những gì là mười niệm? Đó là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Thánh chúng, niệm Giới, niệm Bố thí, niệm Thiên, niệm Thiện, niệm không chỗ khởi, niệm thân, niệm tử vong. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát, có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là bốn Thiền, bốn Định vô sắc, bốn Đẳng tâm, tám môn giải thoát, định chưa từng nễm trải vị thiền.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát, có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là mười Lực của Như Lai.

Sao gọi là mười Lực của Như Lai? Đó là biết người khác, các loài chúng sinh đúng đạo lý, chẳng đúng đạo lý, có giới hạn, không có giới hạn; như thật biết rõ nhân duyên tội, phước trong quá khứ, vị lai, hiện tại sẽ đi về đâu, sẽ có báo ứng thế nào; như thật biết rõ người thế gian có bao nhiêu loại hình thể bất đồng; như thật biết rõ con người và chúng sinh có bao nhiêu tâm niệm ưa thích khác nhau; như thật biết rõ căn nguyên, mục đích của con người và chúng sinh, gốc ngọn khác nhau; như thật biết rõ chỗ quy về sau, trước của tất cả năm đường; như thật biết rõ tâm hành giả, chúng sinh, căn, lực, giác ý, nhất tâm giải thoát môn, Tam-muội chánh thọ, các việc ràng buộc, sân hận, đấu tụng có thể dùng trí tuệ phân biệt; như thật biết rõ vô số tịch nhiên, biết việc vô số ức kiếp trong quá khứ, biết vô số ức đời sống chúng sinh ở quá khứ, biết chỗ sinh về sau khi chết, dùng đạo nhãn nhìn khắp cõi nước tất cả chư Phật trong mười phương, sự sinh tử, họa phúc, thiện ác, khởi diệt, chung thủy trong năm đường; như thật biết rõ các lậu đã hết, không có trần cấu, vượt qua tưởng niệm, dùng trí tuệ thoát qua nghiệp hiện tại, tự dùng thần thông chứng biết các hạnh, sinh tử đã đoạn, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, biết người chưa độ.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là bốn Vô sở úy.

Sao gọi là bốn Vô sở úy? Nay ta đã thành Bình đẳng giác, nếu có Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, loài người, hoặc dị thiên, hoặc người ở học phái khác đến muốn tranh luận để tìm sở đoản của ta để cho là ta không thành Bình đẳng giác. Họ chẳng thấy điềm lành, dám khởi ý đương đầu với Như Lai, nhưng không dám bộc lộ ý nghĩ đó, cho nên Như Lai an ổn với việc làm của mình, không bị vấn nạn, cũng không sợ, dũng mãnh tiến bước, không có chấp trước, vì người khác rống tiếng rống sư tử, giảng thuyết phân biệt pháp luân thanh tịnh. Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm thiên ở cõi trời, nhân gian không ai có thể sánh kịp ý nghĩa đạo pháp. Như Lai, các lậu đã hết, không còn sinh tử nên Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm trên cõi trời, ở nhân gian, muốn tìm sở đoản của Như Lai để nói là chẳng đúng như thế vì các lậu chưa hết nhưng hoàn toàn chẳng thấy ai bộc lộ tâm tìm sở đoản, cho nên Như Lai an ổn, không có sợ hãi, vì mọi người rống tiếng rống sư tử. Như Lai biết hết nội pháp không có nội, ngoại, chẳng thấy tôi ta, nên Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm của trên cõi trời, ở thế gian muốn tìm sở đoản của Như Lai để nói là không đúng Như thế, chẳng biết nội pháp, chấp có tô ta nhưng hoàn toàn chẳng thấy ai bộc lộ tâm tìm sở đoản, cho nên Như Lai an ổn, không có sợ hãi, vì mọi người rống tiếng rống sư tử, giảng thuyết Hiền thánh làm cho người chẳng hiểu hiểu được, người chẳng đạt đạt được, rồi dùng bình đẳng trừ hết khổ não, chẳng bao giờ tìm được sở đoản của Như Lai. Vì phụng sự pháp nên chẳng trái với nghĩa đạo, dũng mãnh không sợ hãi, vì người giảng thuyết pháp luân thanh tịnh, làm sư tử hống.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là bốn phân biệt biện? Những gì là bốn? Một là phân biệt nghĩa, hai là phân biệt pháp, ba là phân biệt chỗ quy thuận, bốn là phân biệt biện.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Những gì là mười tám? Đó là Như Lai không có lầm lỗi, nói ra đúng lúc, không có tâm hẹp hòi, không quên mất, không có các tưởng, không có tâm bất định, không có gì là không phân biệt, phân biệt đối tượng quán chiếu, không có gì ưa thích, tinh tấn không dứt mất, không bao giờ thất niệm, trí tuệ không tổn giảm, giải thoát không khiễm khuyết, giải thoát tri kiến không giảm, tất cả việc của thân không gì là chẳng đạt, tất cả lời là do miệng nói ra không gì là chẳng thông, tất cả đều đúng chỗ, dùng tâm trí tuệ biết hết cội nguồn của tất cả tâm niệm, lại dùng trí tuệ thấy biết hết việc của vô số kiếp chẳng thể tính biết ở quá khứ, lại dùng trí tuệ thấy biết hết việc của vô số kiếp chẳng thể tính biết trong vị lai, lại dùng trí tuệ thấy biết hết việc của vô số kiếp chẳng thể tính biết trong hiện tại.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát có sở đắc, cũng không sở đắc, cũng không nắm bắt được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát là môn Tổng trì.

Sao gọi là môn Tổng trì? Các văn tự bình đẳng, lời nói bình đẳng là chỗ vào văn tự của môn văn tự.

Sao gọi là chỗ vào văn tự của môn văn tự? Môn nhân duyên là tất cả các pháp, vì từ quá khứ cũng không có chỗ khởi. Sự tạo tác của môn ấy là môn La; pháp lìa các cấu ấy là môn Ba; phân biệt các nghĩa là môn Giá; đạt đến hành của tất cả các pháp cũng không sở đắc, cũng không mất đi, cũng không chỗ sinh ra là môn Na; tất cả pháp lìa danh hiệu, xét cái bản tịnh chẳng thể nắm bắt được, đó là môn Ra; siêu vượt tất cả pháp ân ái, báo ứng, nhân duyên của thế gian, đó là môn Đà; tất cả các pháp đều là vốn không, không có đoạn tuyệt là môn Ba; mở hết sự trói buộc của các pháp. Đó là môn Tra; đốt hết các pháp, đạt đến thanh tịnh là môn Sa; tất cả các pháp không có chướng ngại, chẳng đắc các việc là môn Hòa; đoạn trừ tất cả dấu vết hướng đến, cú, âm thanh của tất cả các pháp là môn Đa; tất cả pháp không có cội gốc, chẳng thể dao động là môn Kễ; tất cả pháp không chỗ sinh khởi là môn Tra; tất cả pháp đạt đến cứu cánh là môn A; tất cả các pháp hiện đang thực hiện đều đạt được là môn Ba; tất cả các pháp đều dùng thời gian để được thông suốt, chẳng bị trở ngại là môn Ma; hiểu biết các pháp từ tôi ta sinh khởi là môn Ca; tất cả các pháp đạt đến sự ủng hộ là môn Đản; tất cả các pháp đạt đến đạo lý của các pháp là môn Xà; tất cả các pháp không có chỗ là môn Ba; tất cả các pháp sinh khởi là môn Đà-ha; tất cả các chủng loại của các pháp không chỗ sinh khởi là môn Xa; tất cả các pháp tịch nhiên chẳng khởi là môn Khư; tất cả các pháp giống như hư không không có chỗ sinh là môn Xoa; tất cả các pháp đều diệt tận, chẳng thể nắm bắt được là môn Thi-đản; tất cả các pháp đứng vững nơi tự thể, chẳng thể động, cũng chẳng thể nắm bắt được là môn Nhã; tất cả các pháp tuệ chẳng thể nắm bắt được là môn Tra-ha; tất cả các pháp đạt được sở trì là môn Phi-hà; tất cả các pháp đã đắc nhàn tịnh là môn Xa; tất cả các pháp đều đã thiêu đốt là môn Na; tất cả các pháp đạt được chí tín là môn Ta; tất cả các pháp đều đắc tận diệt là môn Cahà; tất cả các pháp có sở trụ đắc vô sở trụ là môn Na; tất cả các pháp chẳng đến chẳng đi, chẳng đứng chẳng ngồi, chẳng nằm chẳng ngủ, không ứng nào chẳng ứng, không tưởng nào chẳng tưởng là môn Phả; tất cả các pháp chẳng thể trình bày là môn Thica; tất cả các pháp chẳng đắc năm ấm là môn Tha; tất cả các pháp chẳng đắc tha niệm là môn Y-đà; bỏ tất cả pháp, không có sở đắc là môn Đa; tất cả các pháp rốt ráo ranh giới, tận cùng nơi chốn không sinh, không tử, không có, không tạo tác, dẹp bỏ thuyết âm thanh, văn tự. Vì sao? Vì chán các chướng ngại, nên không ngôn từ, không danh hiệu, không nơi chốn, cũng chẳng thể nắm bắt được, cũng chẳng thể nói, cũng chẳng thể tận, cũng chẳng thể thấy.

Này Tu-bồ-đề! Ví như hư không rỗng không, tất cả các pháp cũng đều Như thế.

Này Tu-bồ-đề! Đó là nhân duyên văn tự phân biệt chỗ vào Tổng trì. Có Đại Bồ-tát nào biết tất cả nhân duyên văn tự Như thế, phương tiện phân biệt thì chẳng chấp trước vào âm thanh, ngôn thuyết, có thể lần lượt hiểu rõ chỗ hướng về của các pháp.

Phẩm 18: THẬP TRỤ

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như ông đã hỏi, sao gọi Đại Bồ-tát là Đại thừa không thoái chuyển? Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật nhập đạo địa. Thế nào là Bồ-tát nhập đạo địa? Nhập vào tất cả các pháp không từ đâu đến cũng chẳng đi đâu, không đi, cũng không hoại, tất cả các pháp, chẳng thể biết nơi chốn, cũng không tưởng niệm. Hành mười đạo địa mà chẳng thấy đạo địa.

Sao gọi là Bồ-tát hành mười đạo địa? Đại Bồ-tát ấy hành trụ thứ nhất nên hành mười việc. Những gì là mười? Tu sửa tâm tánh chẳng bị điên đảo; tu sửa lòng thương trừ bỏ các tưởng; tâm bình đẳng đối với chúng sinh chẳng thủ đắc chúng sinh; hành việc bố thí, người nhận không khác; kính Thiện tri thức không có khinh mạn; cầu pháp là sự nghiệp nhưng không thủ đắc; ân cần xuất gia tu học mà không luyến mộ; cầu thân Phật không tưởng tướng hảo; mở mang pháp sự cho chúng sinh mà không mong cầu; dứt bỏ cao ngạo đối với các pháp không chấp trước, lời nói chí thành của miệng là nghiệp.

Này Tu-bồ-đề! Đó là mười việc của Đại Bồ-tát hành đạo địa thứ nhất.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ hai nên hành tám pháp. Những gì là tám? Giới thanh tịnh, luôn luôn tri ân và báo ân, an trụ nhẫn nhục, thường lành hoan hỷ, chẳng bỏ chúng sinh, siêng hành đại Từ bi, nghe theo lời dạy bảo của người trên, xem người xuất gia như là Thế Tôn, hành ba-la-mật tìm cầu phương tiện thiện xảo. Đó là tám việc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ ba nên hành năm pháp. Những gì là năm? Học hỏi nhiều không chán, chẳng chấp trước văn tự, khai mở pháp thí, không tưởng y phục, làm thanh tịnh cõi Phật, khuyên làm các công đức, cũng không mong cầu. Đó là năm việc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ tư nên hành mười pháp, không bao giờ bỏ. Những gì là mười? Chẳng bỏ chỗ thanh vắng, tâm ít tham cầu, biết đủ, chẳng rời thiền tọa, chẳng hủy cấm giới, nhàm chán chẳng thọ dục, chẳng diệt độ, tất cả sở hữu, bố thí không tiếc, chẳng khiếp nhược, không ham muốn các sở hữu. Đó là mười.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ năm nên bỏ tám việc. Những gì là tám? Vứt bỏ nhà cửa, xả Tỳ-kheo-ni, xả bỏ dòng họ, chẳng tham công đức, bỏ ngủ nghỉ, lìa tranh cãi sân si, chẳng tự khen mình, chẳng chê bai người. Đó là tám việc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ sáu nên đủ sáu pháp. Những gì là sáu? Đó là sáu pháp Ba-la-mật, chẳng làm sáu pháp: chẳng cầu Thanh văn, không tưởng Duyên giác, chẳng nghĩ việc nhỏ, thấy người nghèo xin, tâm diện hòa vui, có cho vật gì thì không lo rầu tâm không hối tiếc. Đó là sáu pháp.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ bảy nên lìa hai mươi pháp. Những gì là hai mươi? Không thọ nhận, không tôi ta, chẳng chấp nhận, chẳng có mạng, chẳng nghĩ tuổi thọ, chẳng nghĩ thường, chẳng chấp đoạn diệt, không có các tưởng chấp trước, lìa kiến chấp nhân duyên, chẳng dựa vào các ấm, chẳng mộ các chủng, xả bỏ các chủng, không tưởng ba cõi, chẳng chấp trước Phật, chẳng chấp trước pháp, chẳng chấp trước Thánh chúng, hộ cấm giới, bỏ kiến chấp, chẳng dựa vào niệm không, bỏ các tà kiến, không có nhiễm ô. Đó là hai mươi pháp. Lại nên đầy đủ hai mươi pháp sự. Những gì là hai mươi? Hiểu rõ không, chẳng chứng vô tướng, biết không sở nguyện, thanh tịnh ba nghiệp, thương xót chúng sinh, chẳng thấy chúng sinh, không có khinh mạn, bình đẳng quán các pháp, hiểu thấu pháp nghĩa, không có phân biệt, hiểu rõ chân chánh, cũng không chấp trước, đạt vô sinh nhẫn, giảng thuyết nhất phẩm, diệt trừ các tưởng, vứt bỏ trần lao, vắng lặng lìa tà, tâm ý điều hòa định tĩnh, không rời trí tuệ, không có vội vã. Đó là hai mươi.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ tám nên đầy đủ bốn pháp. Những gì là bốn? Nhập vào tâm chúng sinh, dùng thần thông tự vui; hiện ở các cõi Phật, tùy theo chỗ mà quán sát; thành tựu đầy đủ cõi nước của mình; đảnh lễ chư Phật, dùng chân đế quán thân chư Phật. Đó là bốn pháp.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ chín nên đầy đủ bốn pháp. Những gì là bốn? Hiểu rõ các căn, thành tựu cõi Phật, ân cần tu theo Tam-muội huyễn, tùy thuận hóa độ chúng sinh, khiếncho việc tạo gốc đức của họ đạt đến thuần thục, vì chúng sinh thị hiện đủ loại thân để nói đạo nghĩa. Đó là bốn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ mười nên đầy đủ mười hai việc. Những gì là mười hai? Vì vô lượng nơi chốn mà thiết lập sự ủng hộ, theo ý nguyện của số đông, đều làm cho thỏa mãn, những điều đã nói ra, chư Thiên, Long thần, Kiền-đạp-hòa, A-tuluân, Ca-lầu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc nghe âm thanh ấy đều hiểu rõ biện tài Như thế, thì các việc bào thai, dòng họ tôn quý, chỗ sinh ra, quyến thuộc, cõi nước, bỏ nước, bỏ nhà, đi đến cây Bồ-đề thanh tịnh hoàn toàn, tất cả danh đức đều đầy đủ. Đó là mười hai.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trụ thứ mười của Đại Bồ-tát tức là Phật.

NgàiTu-bồ-đề bạch Phật:

–Sao gọi là Đại Bồ-tát tu theo chí tánh?

Đức Phật dạy:

–Đối với việc gầy dựng gốc đức, tâm đều khuyến trợ trí Nhất thiết.

Sao gọi là tâm bình đẳng của Bồ-tát? Với tâm trí Nhất thiết, thật hành bốn Đẳng tâm Từ, Bi, Hỷ, Hộ (xả).

Sao gọi Bồ-tát là sự nghiệp bố thí? Vì bố thí cho tất cả mà không tưởng nghĩ. Sao gọi Bồ-tát kết Thiện tri thức? Vì khuyến hóa tất cả, khiếnlập chánh đạo, lễ phép thăm hỏi, tin tưởng, cung kính bậc Tôn trưởng.

Sao gọi là Bồ-tát cầu pháp đầy đủ? Vì đối với các việc cầu pháp, tâm thường đặt ở trí Nhất thiết, không rơi vào địa Thanh văn, Bích-chi-phật.

Sao gọi là Bồ-tát ân cần xuất gia? Vì đối với nơi chốn sinh ra, đời đời bỏ nghiệp, không bị hủy hoại, theo lời dạy của Như Lai, vị ấy xuất gia tu hạnh vô thượng.

Sao gọi là Bồ-tát theo yêu cầu thân Phật? Vì nếu thấy thân Phật tâm vị ấy chưa từng rời Phật, khi ấy mới đạt đến trí Nhất thiết.

Sao gọi là Bồ-tát khai mở các pháp? Giả sử hiện tại thấy Phật nhập Niết-bàn, Bồ-tát vì chúng sinh giảng nói kinh pháp, lời đầu cũng thiện, lời giữa cũng thiện và lời cuối cũng thiện, ý nghĩa hoàn bị vi diệu, đầy đủ hạnh thanh tịnh, đủ cả mười hai bộ loại: Kinh Văn, kinh Đức, kinh Thính, kinh Phân biệt, kinh Thị hiện, kinh Thí dụ, kinh Sở thuyết, kinh Sở sinh, kinh Phương đẳng, kinh Vị tằng hữu, kinh Chương cú, kinh Sở hành, đó là mười hai bộ loại kinh điển khai mở các pháp của Bồ-tát.

Sao gọi là Bồ-tát dứt bỏ tâm kiêu mạn? Chưa từng ôm lòng tự đại, không bao giờ sinh vào nhà dòng họ thấp kém.

Sao gọi là lời nói của Bồ-tát chí thành? Nếu đã nói ra thì lời nói và hành động tương xứng. Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đó là Đại Bồ-tát hành địa thứ nhất mà phụng hành mười việc.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Sao gọi là Bồ-tát giới phẩm thanh tịnh?

Đức Phật dạy:

–Tâm chẳng nghĩ cầu thừa Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng chẳng chê bai các Bồ-tát. Nếu có người phạm giới thì khuyến dụ khiếnkhông đọa lạc.

Sao gọi Bồ-tát là người luôn luôn biết tri ân và báo ân? Giả sử khi Bồ-tát hành đạo Bồ-tát đối với người bố thí ít còn chẳng quên, huống gì đối với người bố thí nhiều.

Sao gọi là Bồ-tát trụ Nhẫn lực? Đối với chúng sinh thường không có tâm loạn động, không ôm lòng làm hại.

Sao gọi là Bồ-tát tâm sắc hòa vui? Nghĩ việc giáo hóa chúng sinh không trái chánh hạnh.

Sao gọi là Bồ-tát không bỏ chúng sinh? Luôn luôn cứu giúp, hộ trì tất cả mọi người.

Sao gọi là Bồ-tát gần đại Bi? Giả sử khi Bồ-tát hành đạo, tâm tự nghĩ, vì thấy tất cả mọi người trong hằng hà sa số kiếp ở tại địa ngục, bị tra khảo, thiêu nấu, nên không bao giờ ta giải đãi, nên khiếncho họ thành tựu Phật thừa để được diệt độ. Đối với tất cả các loài chúng sinh cũng Như thế, tâm Bồ-tát cũng tự khuyến khích vi diệu Như thế.

Sao gọi là Bồ-tát tiếp nhận sự dạy bảo của bậc Tôn trưởng? Thầy người xuất gia hoặc thầy mình thì xem họ như là Phật.

Sao gọi là Bồ-tát cầu Ba-la-mật? Đó là Bồ-tát không nghĩ việc khác, không nghĩ pháp khác, không khinh mạn, chỉ cầu giải thoát.

Sao gọi là Bồ-tát nghe rộng không chán? Những lời mà chư Phật Thiên Trung Thiên đã giảng nói và những điều mà từ miệng chư Phật mười phương đã diến nói, Bồ-tát đều tuân phụng thọ trì.

Sao gọi là Bồ-tát nói pháp thí không tưởng áo cơm? Vì đối với pháp thí này mà tâm niệm như thế thì chẳng nghĩ đến Phật đạo.

Sao gọi là Bồ-tát làm thanh tịnh cõi Phật? Vì Bồ-tát trồng cội phúc đức đều dùng để khuyến khích trợ giúp làm nghiêm tịnh cõi Phật.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng ngán sinh tử? Vì luôn muốn đầy đủ tất cả công đức, thành tựu gốc lành, khai hóa chúng sinh, làm tịnh cõi Phật, chưa từng mệt mỏi, cho đến khi làm cho đầy đủ trí Nhất thiết.

Sao gọi là Bồ-tát biết xấu hổ? Vì luôn không có tâm Thanh văn, Bích-chi-phật.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ nơi thanh vắng? Vì không nhập vào địa Thanh văn, Bích-chi-phật.

Sao gọi là Bồ-tát chí ít tham cầu? Vì hành đạo Bồ-tát không tham cầu gì, chí tại Phật đạo.

Sao gọi là Bồ-tát biết đủ? Vì để thành tựu trí Nhất thiết.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ tiết hạn? Vì luôn phân biệt hiểu pháp sâu sắc.

Sao gọi là Bồ-tát không bỏ học giới? Vì việc trì cấm giới chẳng buông thả.

Sao gọi là Bồ-tát nhàm chán chẳng thọ dục? Vì tâm Bồ-tát chưa từng khởi tham dục.

Sao gọi là Bồ-tát tâm chẳng diệt độ? Vì đối với tất cả pháp tâm không chuyển động.

Sao gọi là Bồ-tát sở hữu tất cả? Vì luôn dùng bố thí giúp đỡ tất cả, không tham các pháp trong, ngoài.

Sao gọi là Bồ-tát chí không khiếp nhược? Vì chưa từng phát tâm Nhị thừa.

Sao gọi là Bồ-tát quán các sở hữu mà không tham? Vì đối với vạn vật không tưởng nghĩ.

Sao gọi là Bồ-tát bỏ nước bỏ nhà? Vì từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sinh ra ở chỗ nào cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, hiện làm Sa-môn.

Sao gọi là Bồ-tát lánh xa Tỳ-kheo-ni? Dù trong khoảnh khắc cũng chẳng cùng họ làm việc. Đối với họ nếu có duyên sự, tâm không móng khởi.

Sao gọi là Bồ-tát từ bỏ dòng họ? Vì Bồ-tát thường nghĩ làm cho chúng sinh ở chỗ an ổn để tự nhiên an, nếu có ai thấy cũng không khởi tâm ganh ghét.

Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ các tham và sự ngủ nghỉ? Giả sử Bồ-tát ở trong hội chúng mà có người khởi tâm Thanh văn, Bích-chi-phật thì chẳng nên làm việc với họ.

Sao gọi là Bồ-tát lìa sân hận? Vì chẳng theo tâm sân hận nguy hại, không có ý đấu tranh, không có kiện tụng.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng tự khen mình? Vì chẳng thấy nội pháp có đối tượng quán chiếu.

Sao gọi là Bồ-tát không chê bai người khác? Vì đối với tất cả ngoại pháp, không thấy có.

Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ mười ác? Vì làm theo đạo Hiền thánh, là hạnh cao thượng làm thanh tịnh thân, khẩu, ý.

Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ khinh mạn? Vì việc làm như thế chẳng thấy các pháp có kiêu mạn.

Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ tự đại? Vì việc làm chẳng thấy hình mạo và sở hữu.

Sao gọi là Bồ-tát lìa điên đảo? Vì quán sát các sở hữu chẳng thể nắm bắt được.

Sao gọi là Bồ-tát bỏ dâm, nộ, si? Vì vĩnh viến chẳng nhìn thấy sự tồn tại của dâm, nộ, si, cấu uế.

Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ sáu pháp? Vì địa thứ sáu thì phải đầy đủ sáu pháp.

Sao gọi là sáu? Đó là sáu pháp Ba-la-mật nên đầy đủ.

Sao gọi là đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật? Vì trụ sáu pháp Ba-la-mật thì có thể siêu việt Thanh văn, Bích-chi-phật.

Sao gọi là Bồ-tát không khởi tâm Thanh văn, Bích-chi-phật? Vì những hạnh này chẳng xứng là đạo, người hành Tiểu thừa chẳng thuận Phật đạo, nếu họ thấy người cầu xin thì lòng khiếp nhược. Người hành Bồ-tát nên có tâm xả ly, không lo lắng. Vì sao? Vì những hạnh này là chẳng ăn nhập với đạo. Từ khi mới phát tâm thường hành bố thí, tâm chẳng quên xả. Vì sao? Vì Bồ-tát chẳng tự tham thân, vì vậy suy tìm gốc ngọn không có tôi ta, xét về nhân, thọ mạng cũng lại Như thế. Vì sao? Vì tâm quán sát kỹ không có sở hữu.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng rơi vào kiến chấp diệt tận? Sở dĩ như vậy vì tất cả pháp cũng không có chỗ sinh khởi.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng chấp có thường? Sở dĩ như vậy vì tất cả pháp đều không có chỗ sinh khởi nên không có thường.

Sao gọi là Bồ-tát không có tưởng chấp trước? Sở dĩ như vậy vì nếu xét như thế thì không có trần lao, không có kiến chấp nhân duyên. Sở dĩ như thế vì kiến chấp ấy chẳng thấy các kiến chấp.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng dựa vào danh sắc? Sở dĩ như thế vì tất cả các việc làm đều không sở hữu.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng chấp trước các ấm, chẳng dựa vào các chủng, chẳng mộ các nhập? Sở dĩ như thế vì hành giả làm như thế thì đều là tự oán, không có sở hữu. Vì vậy cho nên chẳng nên dựa vào ấm, chủng, các nhập.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng dựa vào ba cõi? Ba cõi ấy tự nhiên vô hình, tuy ở trong ba cõi nhưng không chỗ nương dựa.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng trụ sở hữu? Vì nó chẳng có hạn kỳ mà là hư không, tất cả sở hữu đều là vô sở hữu.

Sao gọi là Bồ-tát thấy Phật mà chẳng chấp trước? Vì chẳng dựa vào cái thấy cho là thấy Phật.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng tranh với không? Vì tất cả các pháp đều là không, chẳng không, chẳng loạn, rỗng không, không có chỗ tranh.

Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ không? Thân tướng hư không tức là Bồ-tát đầy đủ không.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng chứng vô tướng? Đối với tất cả tướng không nghĩ đến.

Sao gọi là Bồ-tát nhớ tuệ vô nguyện? Vì đối với ba cõi không sở hành.

Sao gọi là Bồ-tát làm thanh tịnh ba nghiệp? Vì luôn luôn đầy đủ mười đức lành.

Sao gọi là Bồ-tát thương yêu tất cả các loài chúng sinh? Vì luôn luôn hành đức đại Từ bi vô cực.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng khinh thường chúng sinh? Vì muốn viên mãn cõi Phật.

Sao gọi là Bồ-tát bình đẳng quán các pháp? Vì quán sát các pháp không cao không thấp.

Sao gọi là Bồ-tát quán kỹ các địa? Vì đối với tất cả các pháp không gây nhân, không dao động.

Sao gọi là Bồ-tát đạt pháp nhẫn Vô tùng sinh? Vì tất cả các pháp đều không chỗ sinh khởi, cũng không chỗ diệt, nhẫn không sở hữu.

Sao gọi là Bồ-tát tuệ không chỗ sinh? Vì đối với danh sắc, Bồ-tát ấy không phát khởi tuệ.

Sao gọi là Bồ-tát nói một phẩm? Vì chẳng hành hai việc.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng nhập các niệm? Vì đối với tất cả pháp không có đối tượng nhớ nghĩ.

Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ các kiến chấp? Vì luôn xả ly địa Thanh văn, Bích-chi-phật.

Sao gọi là Bồ-tát diệt trừ trần lao? Vì nguyên nhân của tất cả các lậu ngừng lại, dục ô uế dứt hết.

Sao gọi là Bồ-tát tịch tĩnh xa lìa cái thấy biết? Vì có khả năng thành tựu trí Nhất thiết.

Sao gọi là Bồ-tát có tâm điều hòa? Vì đối với ba cõi không còn hoạn nạn.

Sao gọi là tâm tịch tĩnh? Vì có khả năng chễ ngự sáu căn.

Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ trí tuệ? Vì có khả năng đạt được minh nhãn.

Sao gọi là Bồ-tát không có sự vội vàng? Vì quán sáu nhập không nhiễm trước.

Sao gọi là Bồ-tát tâm có chỗ vào? Vì tất cả tâm thấy hết các ý nghĩ của chúng sinh.

Sao gọi là Bồ-tát dùng thần thông tự vui? Vì từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, những nơi đi đến, không tưởng nghĩ cõi Phật.

Sao gọi là Bồ-tát thấy các cõi Phật? Vì trụ ở cõi Phật này thì thấy vô lượng cõi Phật ở mười phương, đối với các cõi Phật cũng không vướng mắc.

Sao gọi là Bồ-tát quán sát đúng như thật? Vì thấy các cõi Phật viên mãn nghiêm tịnh, đến bất cứ đâu trong ba ngàn thế giới đều làm Chuyển luân vương.

Sao gọi là Bồ-tát lễ kính chư Phật cúng dường phụng sự quy mạng? Vì phân biệt ý nghĩa của tất cả kinh pháp.

Sao gọi là Bồ-tát thường quán sát kỹ thân chư Phật? Vì nhìn một cách chân chánh chư Phật chính là Pháp thân.

Sao gọi là Bồ-tát hiểu rõ các căn? Nếu có thể trụ mười Lực của Như Lai thì có thể hiểu rõ cội gốc các căn của tất cả chúng sinh.

Sao gọi là cõi Phật thanh tịnh của Bồ-tát? Chúng sinh thanh tịnh tức là cõi Phật thanh tịnh.

Sao gọi là Tam-muội như huyễn của Bồ-tát? Vì trụ Tam-muội này thì Bồ-tát có thể biến hiện khắp tất cả không chỗ nào là không vào, tâm không trụ một chỗ nào.

Sao gọi là Bồ-tát ngang bằng Tam-muội? Vì Bồ-tát đối với Tam-muội không mong cầu.

Sao gọi là Bồ-tát có thể giáo hóa chúng sinh? Tùy theo gốc đức đã tạo và việc làm của họ mà khai hóa. Đại Bồ-tát dùng sự chí thành để hộ trì thân mình, tùy theo chúng sinh mà khai hóa, cứu độ họ.

Sao gọi là Bồ-tát chí thành? Tự nhiên có sự khuyến phát muốn độ thoát tất cả chúng sinh.

Sao gọi là Bồ-tát chắc chắn có thể đạt được chí nguyện? Vì Bồ-tát thường đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.

Sao gọi là âm thanh mà Bồ-tát phát ra, chư Thiên, Long thần và Kiền-đạp-hòa nghe âm thanh ấy đều hiểu được mà làm theo sự giáo hóa? Vì có đại Từ bi nhuận khắp trong âm thanh đó.

Sao gọi là Bồ-tát nhập vào bào thai? Đại Bồ-tát đời đời sinh ra mà không chỗ sinh.

Sao gọi là Bồ-tát ở vị tôn quý? Bồ-tát sinh ra ở chủng tánh nào thì có thể giáo hóa chủng tánh ấy.

Sao gọi là Bồ-tát chỗ sinh ra đầy đủ? Giả sử Bồ-tát ở dòng Quân tử, ở dòng Phạm chí, ở dòng Cư sĩ thì có thể khuyến hóa dòng đó.

Sao gọi là Bồ-tát ở dòng tôn quý? Vì ngang bằng dòng của chúng Bồ-tát quá khứ, không sai khác.

Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ quyến thuộc? Vì các quyến thuộc theo làm thị giả Bồ-tát không thiếu.

Sao gọi là cõi nước của Bồ-tát nghiêm tịnh? Vì khi mới sinh ánh sáng chiếu sáng vô số thế giới. Ai nhờ ánh sáng đó đều được an ổn.

Sao gọi là Bồ-tát bỏ nước, bỏ nhà? Khi Đại Bồ-tát bỏ nhà học đạo, giáo hóa vô số ức trăm ngàn người đi theo, có thể khiếncho họ an lập ở ba thừa.

Sao gọi là Bồ-tát đến cây Bồ-đề? Cây ấy, gốc, thân, cành, lá, hoa, quả đều là bảy báu, màu vàng tía, chiếu vô số cõi Phật trong mười phương đều chói sáng. Đó là Bồ-tát đi đến cây Bồ-đề nghiêm tịnh.

Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ tất cả danh đức? Giả sử Bồ-tát thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh. Đó là Bồ-tát đầy đủ danh đức.

Sao gọi là Bồ-tát trụ mười địa thành Như Lai? Đại Bồ-tát đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, chứng đắc trí Nhất thiết, dứt trừ trần lao, không có chướng ngại thì đó là Bồ-tát trụ mười địa thành Như Lai.

Này Tu-bồ-đề! Như thế là Đại Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo hành sáu pháp Ba-la-mật, Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, Căn, Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, tịch nhiên lìa kiến, hiện nhập chủng tánh địa Bát đẳng, nếu có nơi chốn thì lìa địa Dục, địa Sở tác biện, lìa địa Thanh văn, Bích-chi-phật, địa Bồ-tát. Đó là Đại Bồ-tát vào trụ thứ chín ở Phật địa. Đó là Đại Bồ-tát hành trụ thứ mười. Đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.

KINH QUANG TÁN

 

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH | LIÊN LẠC ]

 

 

google-site-verification=Iz-GZ95MYH-GJvh3OcJbtL1jFXP5nYmuItnb9Q24Bk0