佛山* Buddha Mountain * Phật Sơn

Calgary Alberta Canada

[中文ENGLISH]

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH | LIÊN LẠC ]

KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ.

QUYỂN 5

Phẩm 11: MA-HA-TÁT

Khi ấy Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ý nghĩa của danh hiệu Bồ-tát là gì? Hướng đến chỗ nào?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Không có ý nghĩa là danh hiệu của Bồ-tát. Vì sao? Bồ-tát ấy không có dấu vết của ý nghĩa, không có tôi ta, cho nên nói không có ý nghĩa là danh hiệu của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như chim bay trong hư không không có dấu chân.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, muốn cầu ý nghĩa của Bồ-tát là không thể có. Ví như trong mộng không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như vậy, muốn cầu ý nghĩa Bồ-tát cũng không có cái để nắm bắt, giống như huyễn biến, ảo ảnh, tiếng vang, hình bóng. Sự biến hóa của Như Lai không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, muốn cầu ý nghĩa của Bồ-tát là không thể có.

Này Tu-bồ-đề! Giống như cái mà không có cội gốc thì không có dấu vết. Lại quán sát pháp giới thì cũng không có cội gốc. Pháp của pháp ấy tịch nhiên không có dấu vết. Như vậy, Bồ-tát không có ý nghĩa, giống như bản tế không có ý nghĩa.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không có ý nghĩa, giống như người do nhà ảo thuật biến hóa ra, người ấy không có dấu vết. Người biến hóa ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật là Bồ-tát không có ý nghĩa, ví như người huyễn không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, tâm không dấu vết, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như, muốn cầu pháp nội không thì không có dấu vết. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, quán sát Bồ-tát không có ý nghĩa, ngã sở, chẳng phải ngã sở, khổ lạc, thiện ác. Nếu có cái có tự nhiên không thì cái hành ấy không có dấu vết Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng có thể đạt đến ý nghĩa của Bồ-tát. Thí như nhà ảo thuật hóa hiện bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không có ý nghĩa Bồ-tát. Ví như hóa thân của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật thì không có ý nghĩa Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có dấu vết của pháp nội không.

Này Tu-bồ-đề! Như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như ngã sở, chẳng phải ngã sở, khổ lạc, thiện ác và cái không sở hữu tự nhiên ấy không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát không có ý nghĩa Bồ-tát vậy.

Này Tu-bồ-đề! Ví như Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không có ý nghĩa Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như Đức Như Lai không có bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật như vậy không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như cảnh giới vô vi, cảnh giới vô vi ấy không có dấu vết, còn cảnh giới hữu vi, cảnh giới hữu vi ấy cũng không có dấu vết.

Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Ví như chỗ không sinh khởi, không có dấu vết. Như thế, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát, cũng không có hành, không có tác giả, không có dấu vết. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Giống như cái không thể nắm bắt được, không có trần lao, không có sân hận, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như cái không chỗ phát khởi, chẳng có nơi chốn, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như không có tranh tụng, chẳng bị sân hận, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa Bồ-tát.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Sao gọi là không có sắc, không có chỗ phát khởi, không có dấu vết?

Đức Phật dạy:

–Sắc không có chỗ khởi; thọ, tưởng, hành, thức không có chỗ khởi thì không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như sắc không có trần lao, cũng không có sân hận, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, các chủng, suy, nhập vốn không chỗ hướng đến, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như bốn Ý chỉ tự nhiên rốt ráo, vô vi đạt đến thanh tịnh, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, tự nhiên rốt ráo, vô vi đạt đến thanh tịnh, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật tự nhiên rốt ráo, vô vi đạt đến thanh tịnh, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như thân thanh tịnh thì không có sở hữu, cái tôi ta ấy là hư vô, không có thật, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như không biết, không thấy tức là thanh tịnh, không có dấu vết, thì cái không biết không thấy là hư vô không có, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như mặt trời trên hư không chiếu đến chỗ tối tăm, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát. Ví như khi lửa nổi lên trong kiếp thiêu, phá hoại đất trời thành tro bụi, tất cả vạn vật đều chẳng còn gì, chẳng biết dấu vết chỗ nào, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuân theo giới pháp không có hủy cấm, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có Tam-muội định chí không rối loạn, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác được giải thoát, không có dấu vết không giải thoát, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác giải thoát tuệ tri kiến, không có dấu vết không giải thoát tuệ tri kiến, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như đối với ánh sáng của Như Lai thì ánh sáng của mặt trời, mặt trăng đều không dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như ánh sáng của bốn Đại Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Đâu-thuật, trời Diệm không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như ánh sáng của trời Ni-ma-la, trời Ba-la-ni-mật và cảnh giới ma đối với ánh sáng của Như Lai, đều không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại Như thế, không có ý nghĩa của Bồ-tát.

Ví như ánh sáng của trời Phạm, trời Phạm Ca-di, trời Phạm cụ, trời Hữu quang, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Thanh tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Nan cập tịnh, trời Thiện kiến, trời Sở kiến thiện, trời Ư thị kiến, trời Nhất thiện, đối với ánh sáng của Như Lai, không có dấu vết, Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật cũng lại như vậy, không có ý nghĩa của Bồ-tát. Vì sao?

Này Tu-bồ-đề! Gọi đạo tâm và Bồ-tát, có ý nghĩa là danh hiệu của Bồ-tát là đối với tất cả pháp, không có thuận hay chẳng thuận, không có nên hoặc chẳng nên, không có có hoặc chẳng có, không có sắc nào mà chẳng thấy, cũng không có đối tượng nắm bắt, đó là nhất tướng, gọi là không có tướng.

Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp mà muốn không có sự chấp trước thì nên học Như thế. Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp, chẳng nên hiểu biết ý nghĩa tất cả pháp.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Tất cả pháp là gì? Tại sao Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không có chỗ chấp trước thì nên học? Tại sao Đại Bồ-tát chẳng nên hiểu biết ý nghĩa các pháp?

Phật bảo Hiền giả Tu-bồ-đề:

–Gọi tất cả pháp tức là các việc thiện hoặc việc bất thiện, có thể phân biệt việc thế gian, việc xuất thế gian, có các lậu, không có các lậu, hữu vi, vô vi, có oán địch, không có oán địch.

Này Tu-bồ-đề! Đó gọi là tất cả pháp. Đại Bồ-tát đối với các pháp ấy, chẳng nên có sự chấp trước, do đó phải học. Đó là Đại Bồ-tát rõ tất cả pháp mà không hiểu biết.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Pháp nào là pháp thiện ở thế gian?

Đức Phật bảo Hiền giả Tu-bồ-đề:

–Pháp thiện ở thế gian là hiễu thuận cha mẹ, phụng sự Sa-môn, Phạm chí, tôn kính người già cả, bố thí công đức, tu theo giới kinh, khuyên niệm công đức, có sự tu tập, thiện quyền phương tiện. Mười điều thiện là căn bản việc làm trong thế gian, các định tưởng như tưởng về sự hư rã, tưởng về uế trược, tưởng về sự tan hoại, tưởng về sự nuốt ăn, tưởng về sự rối loạn, tưởng về sự không vững chắc, tưởng về sự thiêu đốt. Rồi khởi quán: bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Định vô sắc, niệm Phật, niệm Pháp và niệm Thánh chúng, niệm cấm giới, niệm bố thí, niệm Thiên, niệm hơi thở ra vào tĩnh lặng, tâm chí đặt ở thân, niệm già, bệnh, chết.

Này Tu-bồ-đề! Đó là pháp thiện thế gian.

Những gì là pháp bất thiện thế gian?

Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, nói ác, thêu dệt, tham, ganh ghét, tà kiến là mười việc ác. Đó là pháp bất thiện thế gian.

Những gì là pháp chẳng phân biệt?

Đó là chẳng có thể phân biệt việc làm của thân, chẳng có thể phân biệt lời nói của miệng, chẳng có thể phân biệt ý nghĩ của tâm, chẳng có thể phân biệt gốc của bốn đại, chẳng có thể phân biệt nguồn gốc của năm Căn, chẳng có thể phân biệt chỗ ở của sáu suy, chẳng có thể phân biệt việc của sắc ấm, các chủng, các nhập, chẳng phân biệt được chỗ quay về của thiện ác. Đó là pháp chẳng phân biệt, gọi là pháp thế gian. Sự việc của năm ấm và mười hai nhập, mười tám chủng, mười việc thiện, bốn Thiền, bốn Đẳng tâm, bốn Định vô sắc. Đó là pháp thiện thế gian.

Những pháp nào có thể gọi là pháp vượt thế gian?

Đó là bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo và ba pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện. Không có pháp đặc thù và sai biệt nào khác hơn là căn dị căn và các biệt căn, Tam-muội Sở niệm sở hành, Tam-muội Vô niệm sở hành chí thú, Tam-muội Vô niệm vô hành, dùng tuệ giải thoát, tâm được an tường. Tâm niệm tùy thuận tám môn giải thoát.

Những gì là tám?

Quán sắc trên các sắc, đó là môn giải thoát thứ nhất.

Bên trong không có tưởng sắc mà quán sắc bên ngoài, tuy trụ không mà không giải thoát, thì chẳng thể vượt tất cả các tưởng, đó là môn giải thoát thứ hai.

Đắc các tưởng ngay nơi cội gốc, không có nhiều tạp niệm, đó là môn giải thoát thứ ba.

Hành hư không là vô lượng, thành tựu hư không, đó là môn giải thoát thứ tư.

Vượt qua được hết tất cả hư không, trí hư không trụ ở việc hành tuệ thức vô lượng và được thành tựu, đó là môn giải thoát thứ năm.

Vượt qua được trời trí tuệ vô lượng và trụ ở tuệ vô hữu vô lượng, thành tựu các hạnh, đó là môn giải thoát thứ sáu.

Vượt qua tất cả, không dùng tuệ vô lượng, trụ ở hữu tưởng thành tựu các hạnh, đó là môn giải thoát thứ bảy.

Vượt qua tất cả hữu tưởng vô tưởng, dứt bỏ các tưởng, an trú hạnh tịch nhiên, đó là môn giải thoát thứ tám.

Đó là tám môn giải thoát. Không theo thiền, cũng chẳng học định, dần dần tiến tới nhập vào Tam-muội.

Sao gọi là dần dần tiến tới nhập vào Tam-muội? Tịch nhiên đối với dục, dứt trừ các pháp ác bất thiện có tưởng có hành tịch mịch được an. Hành tầng thiền thứ nhất, trừ tưởng niệm, không tưởng không niệm, bên trong an tường, vắng lặng được an. Hành tầng thiền thứ hai, thường được an ổn, không có tỳ vết, việc lập hạnh không trái với Thánh hiền, hoan hỷ an vui. Hành tầng thiền thứ ba, dứt khổ, trừ an mà trước đây đã từng tiếp xúc, ý an hay ý hoạn, các việc có thể hay chẳng thể đều diệt hết, không khổ, không an, tâm chí tịch nhiên, thanh tịnh. Hành tầng thiền thứ tư, ngay khi ấy vượt qua tất cả tưởng sắc, trừ các niệm tưởng đã có, không còn các nghĩ tưởng nào khác. Khi ấy đối với tuệ vô lượng hư không, đầy đủ hạnh, vượt qua tất cả các tuệ hư không, đối với tuệ vô lượng thức, đầy đủ hạnh, vượt qua tất cả hạnh tuệ vô lượng thức, đối với tuệ vô hữu vô lượng bất dụng, đầy đủ các hạnh, vượt qua tất cả tuệ vô lượng bất dụng rồi, đối với xứ hữu tưởng vô tưởng vô lượng, đầy đủ các hạnh, vượt qua tất cả hạnh hữu tưởng vô tưởng vô lượng rồi, dứt trừ các tưởng, thành hạnh tịch diệt, siêu việt ngã sở, chẳng phải ngã sở, không khổ không vui, tất cả sự xúc phạm, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo cho đến pháp Tự nhiên không vô sở hữu, mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Những gì là pháp các lậu chưa hết?

Năm ấm, mười hai nhập, mười tám chủng, mười hai nhân duyên, bốn Thiền, bốn Đẳng tâm, bốn Định vô sắc, đó là các pháp chưa hết lậu.

Những gì là pháp vô lậu?

Bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, đó là pháp vô lậu.

Những gì là pháp hữu vi?

Đó là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và các việc khác chẳng thể phân biệt, chẳng tận cội nguồn căn bản của các pháp. Ở đây sao gọi bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật là pháp hữu vi.

Sao gọi là pháp vô vi?

Pháp ấy chẳng khởi chẳng diệt, cũng không tạo tác, cũng không chỗ trụ, không có nghĩa khác. Dâm, nộ, si hết tức là vô bổn. Cái vô bổn ấy tức là không có pháp khác, nó là pháp giới, là tịch nhiên, xét bản tế của nó là pháp vô vi.

Những gì là pháp oán địch?

Bốn Thiền, bốn Đẳng tâm, bốn Định vô sắc là pháp oán địch. Những gì là pháp không oán địch? bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật là những pháp không oán địch. Khi ấy đối với thân mình, Bồ-tát tưởng “không”, không có pháp chấp trước, hiểu rõ không có đối tượng chấp trước nên chẳng thể dao động. Đối với tất cả pháp, pháp môn để hướng đến không có hai. Do không hiểu rõ các pháp nên không dao động.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Vì nhân duyên gì mà gọi Bồ-tát là Đại Bồ-tát?

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát là bậc trừ các tích tụ đạt được rốt ráo, là bậc Tối tôn có sự thành tựu. Vì vậy gọi là Đại Bồ-tát.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Sở dĩ được gọi là Đại Bồ-tát là do lìa tích tụ mà đạt được rốt ráo. Vị Đại Bồ-tát ấy là bậc Tối tôn có sự thành tựu.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đối với Đại Bồ-tát, các tích tụ là chủng tánh, gồm tám hạng người: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Bồ-tát mới phát tâm cho đến trụ địa không thoái chuyển. Vị Đại Bồ-tát kia ở trong cái rốt ráo của các tích tụ ấy làm hạnh Bồ-tát, ở trong đó là bậc Tối tôn có sự thành tựu. Đại Bồ-tát du hành và ở trong đó, có sự phát khởi nào thì tâm như kim cương. Đại Bồ-tát ấy ở trong sự rốt ráo của các tích tụ là bậc Tối tôn có sự thành tựu, cho nên gọi là Đại Bồ-tát.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Sao gọi là tâm như kim cang?

Đức Thế Tôn bảo Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát phát tâm thế này: “Ở trong sinh tử không có kỳ hạn, trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn, bỏ tất cả sở hữu mà chẳng bỏ. Ta sẽ dùng tâm bình đẳng đối với tất cả loài chúng sinh này, phát chí bình đẳng, sẽ dùng ba thừa đưa tất cả chúng sinh nhập Niết-bàn. Diệt độ cho tất cả loài chúng sinh rồi, cũng không thấy con người nhập Niết-bàn. Ta nên hiểu rõ tất cả các pháp, không có chỗ phát khởi nhưng nên tiếp cận trí Nhất thiết, tâm vẫn luôn giữ sáu hạnh Ba-la-mật, học khắp tất cả mà chỗ nương tựa là trí tuệ, phải học trọn vẹn, nên phân biệt hiểu biết pháp nhất thừa. Lại nên, hiểu rõ không thể kể xiết các âm thanh nhập từ đâu.” Học các pháp này, đó là Đại Bồ-tát phát tâm Kim cang. Chỗ trụ của Đại Bồ-tát mà được rốt ráo thì đó là bậc Tối tôn có sự thành tựu, không còn điên đảo, cũng không sở đắc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát phát tâm thế này: “Có chúng sinh nào ở chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh bị tra khảo đau đớn khổ sở, thì ta sẽ vì loài chúng sinh này mà chịu khổ nạn ấy, để cho họ được an ổn.” Đại Bồ-tát ấy sẽ phát tâm này: “Thân ta vì tất cả mọi người ở chốn địa ngục chịu nỗi khổ khảo tra đau đớn trải qua trăm ngàn ức kiếp mà không cho là kịch liệt. Ta phải làm cho những người đó đạt đến cảnh giới Vô dư Niết-bàn để được diệt độ. Dùng phương tiện, vì tất cả loài người và chúng sinh chịu biết bao nỗi khổ không bao giờ dừng nghỉ, khiếncho mọi người đạt đến cảnh giới Vô dư Niết-bàn để được diệt độ. Sau đó, thân ta cũng vì người khác mà trồng các gốc đức, ở trong ngàn ức kiếp đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát phát tâm Kim cang. Chốn an trú của Đại Bồ-tát ấy, đối với các tích tụ mà được rốt ráo là bậc Tối tôn có sự thành tựu.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường nên tu tập tạo lập tâm vi diệu, nên dùng tâm này khiếnchúng sinh đạt đến chỗ tôn quý. Cái gọi là tâm vi diệu của Đại Bồ-tát kia là từ khi mới phát tâm, chưa từng khởi tâm dâm dục, lại cũng chẳng khởi tâm sân hận, lại cũng chẳng sinh tâm ngu si, tâm không khởi điều gì, không phát khởi tâm Thanh văn, Bích-chi-phật.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát tu hành, tạo lập tâm vi diệu, khiếncho các chúng sinh thành bậc Tối tôn, có sự thành tựu nhưng cũng không nghĩ đến.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thường nên tạo lập tâm khiếnkhông dao động. Tâm của vị Đại Bồ-tát kia bất động rồi thì cái tâm tư duy về trí Nhất thiết cũng chẳng nghĩ đến. Đó là tâm chẳng dao động của Đại Bồ-tát.

Lại nữa Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tâm chí đặt ở tất cả loài chúng sinh, muốn làm cho họ được an lạc. Đại Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh tạo lập sự an lạc rồi, muốn cho họ không bỏ ba thừa, cũng không nhớ nghĩ, cũng không khinh mạn.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát đối với các chúng sinh, tạo lập tâm an lạc.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, khiếncác chúng sinh đạt đến sự thành tựu tột bậc.

Lại nữa Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên mến pháp, ưa pháp, thích pháp, dùng tinh tấn làm hạnh.

Sao gọi là mến pháp? Nếu đối với các pháp không sợ, không phá hoại thì đó là mến pháp.

Sao gọi là ưa pháp? Chí ưa kinh điển, chẳng lìa sự ưa thích ấy, đó là ưa pháp.

Sao gọi là thích pháp? Tư duy về pháp, phân biệt nhiều, nghe rộng, đó là thích pháp.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật gọi là Đại Bồ-tát, đối với các tích tụ đạt đến rốt ráo, là bậc Tối tôn có sự thành tựu, không có điên đảo, cũng không sở đắc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trụ ở pháp nội không, trụ ở pháp ngoại không, trụ ở pháp nội ngoại không, cũng không có nội ngoại, cho đến pháp tự nhiên vô sở hữu không, gọi là Đại Bồ-tát, đối với các tích tụ đạt được sự rốt ráo, là bậc tối tôn có sự thành tựu, không có sự điên đảo, cũng không sở đắc.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, trụ bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Trụ ở những pháp này gọi là Đại Bồ-tát, đối với các tích tụ đã đạt được rốt ráo, là bậc Tối tôn có sự thành tựu, không bị điên đảo, cũng không sở đắc.

Lại nữa Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát kiến lập và trụ Tam-muội Kim cang, siêu việt vô lượng không tuệ, vô lượng thức tuệ, vô lượng bất dung tuệ, vô lượng hữu tưởng vô tưởng, cho đến hư vô vi không, vô sắc, các bậc định Tam-muội giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến, Tam-muội trụ độ, gọi là Đại Bồ-tát, đối với các tích tụ đạt được cứu cánh, là bậc Tối tôn có sự thành tựu, chẳng bị điên đảo, cũng không sở đắc.

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trụ những pháp này rồi, đối với sự tích tụ đạt được cứu cánh, là bậc Tối tôn có sự thành tựu, gọi là Đại Bồ-tát.

Phẩm 12: ĐẲNG VÔ ĐẲNG

Bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, con có thể giảng nghĩa Đại Bồ-tát và do đâu mà gọi là Đại Bồ-tát chăng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Được, ông cứ nói!

Hiền giả Xá-lợi-phất nói:

–Vứt bỏ tất cả kiến chấp, kiến chấp tôi ta, người, thọ mạng, việc phàm phu, loài hữu tình, có tạo tác, không tạo tác, chấp chặt với quan điểm thường, chấp chặt với quan điểm không, chấp chặt với quan điểm ấm, chấp chặt với quan điểm chủng, chấp chặt với quan điểm suy, chấp chặt với quan điểm nhập, chấp chặt với quan điểm hư, chấp chặt với quan điểm thật, chấp chặt với quan điểm mười hai nhân duyên, chấp chặt với quan điểm bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, hoặc chấp chặt với quan điểm giáo hóa chúng sinh, chấp chặt với quan điểm làm thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật, chấp chặt với quan điểm Phật đạo, chấp chặt với quan điểm giác ngộ, chấp chặt với quan điểm chuyển pháp luân. Dứt trừ tất cả sự chấp chặt đối với các quan điểm này mà thuyết pháp, thì gọi là Đại Bồ-tát.

Hiền giả Tu-bồ-đề hỏi Hiền giả Xá-lợi-phất:

–Thưa Hiền giả! Vì sao Đại Bồ-tát chấp chặt với quan điểm về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tôi, ta, người, thọ mạng, bốn chủng, suy, nhập, mười tám chủng, bốn Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật?

Hiền giả Xá-lợi-phất trả lời:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật không có phương tiện thiện xảo, khi tiếp xúc sắc phát khởi chấp chặt quan điểm cho là có sở đắc. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tôi, ta, người, thọ mạng, bốn chủng, suy, nhập, mười tám chủng, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, khi đã tiếp xúc với những pháp này, rồi phát khởi các chấp chặt với quan điểm cho là có sở đắc. Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, kinh qua những pháp ấy, dùng phương tiện thiện xảo trừ các chấp chặt quan điểm, vì họ thuyết pháp, khiếncho xa lìa điên đảo, chẳng cầu sở đắc.

Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con có thể nói danh hiệu Đại Bồ-tát và mục đích ý nghĩa của Đại Bồ-tát chăng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Được, ông cứ nói!

–Vâng lời dạy của Thế Tôn, theo con hiểu thì tâm của Bồ-tát bình đẳng không ai bằng, không có tâm oán địch, tâm của các Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh kịp. Vì sao? Vì tâm trí Nhất thiết không có các lậu, cũng không nhân duyên. Giả sử tâm trí Nhất thiết không có các lậu, cũng không nhân duyên Như thế, thì đối với tâm ấy, không có chỗ chấp trước. Cho nên gọi Đại Bồ-tát là giả hiệu Đại Bồ-tát.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề:

–Vì sao cái gọi là tâm của Đại Bồ-tát bình đẳng không ai bằng, tâm không oán địch, tâm của các Thanh văn, Bích-chi-phật không thể sánh kịp?

Tu-bồ-đề trả lời Xá-lợi-phất:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát ấy từ khi mới phát tâm chưa từng thấy phát khởi, phát diệt, không từ đâu đến, chẳng tăng, chẳng giảm, không có trần cấu, cũng không kết hận.

Thưa Hiền giả! Giả sử cái chẳng khởi, chẳng diệt, không từ đâu đến, chẳng tăng, chẳng giảm, không có trần cấu, cũng không kết hận, không có tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, không có tâm Bồ-tát, cũng không có tâm Phật thì, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đó là tâm Đại Bồ-tát, bình đẳng không ai bằng, tâm không oán địch, tâm Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể sánh kịp.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Hiền giả không chỉ giảng tâm Thanh văn, Bích-chi-phật chẳng thể sánh kịp, mà còn giảng tâm chẳng chấp trước Thanh văn, Bích-chi-phật, lại chẳng nên chấp trước sắc là đối tượng tìm cầu, thọ, tưởng, hành, thức là đối tượng tìm cầu.

Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Thật chẳng chấp trước sắc thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng chấp trước nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chẳng chấp trước mười tám chủng, các suy, nhập, mười hai nhân duyên; chẳng chấp trước bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo. Chẳng chấp trước mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Như vừa rồi, Hiền giả Tu-bồ-đề đã giảng luận, tâm Trí nhất thiết ấy không có các lậu, cũng không nhân duyên, thì thưa Hiền giả, tại sao tâm phàm phu ngu si cũng chẳng vô lậu, không có nhân duyên, bản tịnh là không, cho đến tâm của Thanh văn, Bích-chi-phật, Thế Tôn không có các lậu, không có nhân duyên sao?

Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Đúng vậy!

Hiền giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Sắc cũng chẳng là vô lậu sao? Không nhân duyên sao? Bản tịnh là không sao? Thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng là vô lậu sao? Không nhân duyên sao? Bản tịnh là không sao? Hiền giả Tu-bồ-đề trả lời:

–Đúng vậy!

Hiền giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mười tám chủng, bốn đại, suy, nhập, mười hai nhân duyên chẳng là vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao? Bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, Năm năn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo chẳng là vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao? Mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, vô vi, vô lậu, không nhân duyên, bản tịnh là không sao?

Tu-bồ-đề trả lời:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Đúng như Hiền giả đã nói, tâm phàm phu ngu si, tâm Thanh văn, Bích-chi-phật cũng vô lậu, cũng không nhân duyên, bản tịnh là không. Ấm, chủng, nhập, bốn đại, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cũng vô lậu, cũng không nhân duyên, bản tịnh là không.

Ngài Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:

–Đối với các tâm này, không nên chấp trước. Lại chẳng nên chẳng chấp trước không có sắc và sắc sao? Chẳng nên chẳng chấp trước không có thọ, tưởng, hành, thức và thọ, tưởng, hành, thức sao? Lại nữa, thưa Hiền giả Tu-bồ-đề, chẳng nên chẳng chấp trước không có Ý chỉ và Ý chỉ sao? Không có Ý đoạn và Ý đoạn sao? Không có thần túc và thần túc sao? Không có năm Căn và năm Căn sao? Không có năm Lực và năm Lực sao? Không có bảy Giác ý và bảy Giác ý sao? Không có tám Thánh đạo và tám Thánh đạo sao? Không có mười Lực và mười Lực sao? Không có bốn Vô sở úy và bốn Vô sở úy sao? Không có bốn Phân biệt biện và bốn Phân biệt biện sao? Không có mười tám pháp Bất cộng và mười tám pháp Bất cộng sao?

Ngài Tu-bồ-đề đáp:

–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, đúng vậy! Chẳng nên chấp trước không có sắc và sắc, chẳng nên chấp trước không có thọ, tưởng, hành, thức và thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên chấp trước không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Chẳng nên chấp trước không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng nên chấp trước không có bốn đại, suy, nhập và bốn đại, suy, nhập. Chẳng nên chấp trước không có mười hai nhân duyên và mười hai nhân duyên. Chẳng nên chấp trước không có ba mươi bảy phẩm và ba mươi bảy phẩm. Chẳng nên chấp trước không có mười Lực và mười Lực. Chẳng nên chấp trước không có bốn Vô sở úy và bốn Vô sở úy. Chẳng nên chấp trước không có bốn phân biệt biện và bốn phân biệt biện. Chẳng nên chấp trước không có mười tám pháp Bất cộng của chư Phật và mười tám pháp Bất cộng của chư Phật.

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Vì vậy cho nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật với tâm đạo, không có tâm oán địch. Tâm các Thanh văn, Bích-chi-phật đều không sánh kịp, cũng chẳng tưởng nghĩ Thanh văn, Bích-chi-phật, không chỗ nương tựa, chẳng theo điên đảo, cũng không sở đắc. Vậy nên thành tựu tất cả các pháp.

Phẩm 13: ĐẠI THỪA

Khi ấy Hiền giả Phân-nậu-văn-đà-ni-phất bạch Phật:

–Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con có thể giảng luận về mục đích ý nghĩa danh hiệu Đại Bồ-tát chăng?

Đức Thế Tôn dạy:

–Được, ông cứ nói!

Ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất nói:

–Trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn, mặc áo giáp đại đức, Đại Bồ-tát vì chí Đại thừa chăng? Vị ấy là nguời nương Đại thừa. Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, vì vậy Đại Bồ-tát hiệu là Đại Bồ-tát.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất:

–Vì nhân duyên gì mà gọi Đại Bồ-tát là trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn Đại thừa không thoái chuyển?

Ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất đáp:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát chẳng vì sự tu học riêng cho một loài chúng sinh nào mà trụ Thí ba-la-mật để có việc bố thí mà vì tất cả các loài chúng sinh nên trụ Thí ba-la-mật để có việc bố thí.

Chẳng vì sự tu học riêng cho một loài chúng sinh nào mà trụ Giới ba-la-mật để thành tựu cấm giới mà vì tất cả các loài chúng sinh nên trụ Giới ba-la-mật để thành tựu cấm giới.

Chẳng vì riêng cho việc tu học của một loài chúng sinh nào mà trụ Nhẫn ba-la-mật để có nhẫn mà vì tất cả các loài chúng sinh nên trụ Nhẫn ba-la-mật để hành nhẫn nhục.

Chẳng vì sự tu học riêng cho một loài chúng sinh nào mà trụ

Tinh tấn ba-la-mật để thực hiện tinh tấn mà vì tất cả các loài hữu tình nên trụ Tinh tấn ba-la-mật để tinh tấn.

Chẳng vì sự tu học riêng cho một loài chúng sinh nào mà trụ Thiền ba-la-mật để không loạn ý mà vì tất cả các loài chúng sinh nên trụ Thiền ba-la-mật để được nhất tâm.

Chẳng vì việc tu học riêng cho một loài chúng sinh nào mà trụ Bát-nhã ba-la-mật để hành trí tuệ mà vì tất cả các loài chúng sinh nên trụ Bát-nhã ba-la-mật để tuân theo trí tuệ.

Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng vì dứt hết loài chúng sinh hoặc giới hạn chúng sinh mà trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn rằng: “Ta sẽ diệt độ ngần ấy chúng sinh, chẳng diệt độ ngần ấy chúng sinh, an lập ngần ấy người vào Phật đạo, không an lập ngần ấy người vào Phật đạo.” Mà Đại Bồ-tát vì tất cả các loài chúng sinh, trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn và tự nghĩ: “Ta sẽ tự thành tựu viên mãn Thí ba-la-mật, khuyến trợ chúng sinh khiếnnhập vào tất cả nghiệp Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật. Ta sẽ thành tựu viên mãn việc hành Ba-la-mật, khuyến trợ tất cả chúng sinh, khiếnnhập vào Bát-nhã ba-la-mật vô cực.”

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Giả sử Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật thì cái có thể cho tất cả là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy xem các chúng sinh là bè bạn, là con của mình, còn khuyến trợ họ đạt Vô thượng Chánh đẳng giác.

Thưa Hiền giả! Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Đối với người đã phát tâm, chẳng vì họ mà vẫn khuyến trợ địa Thanh văn, Bích-chi-phật.

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đó là Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy thường suy nghĩ, giữ gìn cấm giới, không để có điều trái phạm, chẳng dùng để khuyến trợ địa Thanh văn, Bích-chi-phật, mà khuyến trợ đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy thường suy nghĩ, nhẫn chịu các pháp, dùng nhẫn nhục để khuyến khích chúng sinh, xem họ là bè bạn, là con mình. Dùng nhẫn nhục để khuyến trợ họ, chẳng vì Thanh văn, Bích-chi-phật mà vì đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Nhẫn ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy thường thực hiện tinh tấn, chẳng bỏ chuyên cần, việc làm tinh tấn không có thiếu sót, chẳng dùng để khuyến trợ Thanh văn, Bích-chi-phật mà để đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy không nghĩ gì khác, chỉ tư duy nghiệp trí nhất thiết tuệ, tư duy không bỏ, chẳng nghe hạnh Thanh văn, Bích-chi-phật, chỉ cầu đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Thiền ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Bồ-tát ấy thường làm theo trí tuệ, lìa tà tuệ, dùng nghiệp trí tuệ khai phát tất cả, không có các lậu, chẳng dùng để khuyến trợ địa Thanh văn, Bích-chi-phật mà cầu đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thí ba-la-mật, cái có thể cho là trí Nhất thiết để tu sửa tâm ý. Khi cho khởi tâm huyễn hóa, không có gì để cho, cũng không có người cho, cũng không có người nhận. Đại Bồ-tát bố thí Như thế, không vì khuyến trợ Thanh văn, Bích-chi-phật mà vì cầu đạt được Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất nói với ngài Xá-lợi-phất:

–Giả sử Đại Bồ-tát tâm tôn sùng trí Nhất thiết thì đối với các Ba-la-mật không có tưởng cầu, cũng không sở đắc. Đó gọi là thệ nguyện rộng lớn của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật, tâm tôn sùng trí Nhất thiết để bố thí, tôn sùng tâm trí nhất thiết để cứu độ chúng sinh tức là để khuyến trợ tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật vì Thí ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Khi hành Giới ba-la-mật, đối với những việc làm mà không ai nhẫn được, chẳng thể nhẫn được, Đại Bồ-tát không gì là chẳng nhẫn được. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật vì Nhẫn ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật, thì tự nhiên phát khởi việc tinh tấn không có lười biếng bỏ bê. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật vì Tinh tấn ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật, tâm tôn sùng trí nhất thiết, suy nghĩ việc làm, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, tâm thường chuyên nhất, tư duy thiền định không có loạn. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật vì Thiền ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật, đối với tất cả các pháp sở hữu, quán niệm như huyễn, cũng chẳng nghĩ giới, cũng không sở đắc, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, phân biệt trí tuệ vi diệu. Đó là Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật vì Bát-nhã ba-la-mật.

Như thế, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Giới ba-la-mật tức là bao gồm đầy đủ hết các Ba-la-mật. Đó gọi là thệ nguyện rộng lớn của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Nhẫn ba-la-mật mà có sự bố thí, tôn sùng phát khởi tâm trí Nhất thiết, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, có thể nhẫn nhục hết, không kết hận, để khuyến trợ quả Chánh đẳng giác.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật mà có sự bố thí, tôn sùng phát khởi tâm trí Nhất thiết, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, thường hành tinh tấn, chẳng tiến chẳng thoái thì đạt đến Chánh đẳng giác.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Thiền ba-la-mật, mà có sự bố thí, tôn sùng phát khởi tâm trí Nhất thiết, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, tâm thường định, không bị loạn động, không loạn nào mà chẳng loạn, cũng chẳng thấy loạn, chẳng thấy định ý.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tôn sùng phát khởi tâm trí Nhất thiết, chẳng tin tâm Thanh văn, Bích-chi-phật, tâm ý to lớn không có gì mà chẳng thông, chẳng tại sinh tử, chẳng ở diệt độ.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát dùng định vô sắc để hành Tam-muội, chẳng theo Thiền giáo mà có chỗ phát sinh. Đó là Đại Bồ-tát có phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Giả sử Đại Bồ-tát hoặc hành Thiền định, hay bốn Đẳng tâm mà dùng Tam-muội định vô sắc thì chẳng mất Thiền định và bốn Đẳng tâm, Tam-muội vô sắc. Đó là Đại Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát lại tu thiền tư, hành bốn Đẳng tâm, Tam-muội vô sắc. Ở trong sự tĩnh lặng quán thấy Không, Vô tướng, Vô nguyện. Thấy như thế rồi thì đó là Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng áo giáp Bát-nhã ba-la-mật.

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Như thế, gọi là Đại Bồ-tát được trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn.

Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Như thế, Đại Bồ-tát giả sử mặc áo giáp này thì chư Phật Thiên Trung Thiên ở thế giới chư Phật trong tám phương, trên dưới đều có thể tuyên dương lời dạy vi diệu, khen ngợi công đức bằng âm thanh thông suốt, rằng ở thế giới đó có Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại đức, giáo hóa chúng sinh, làm nghiêm tịnh cõi Phật.

Xá-lợi-phất hỏi ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất:

–Sao gọi là Đại Bồ-tát không thoái chuyển ngang bằng Đại thừa?

Ngài Phân-nậu-văn-đà-ni-phất trả lời:

–Thưa Hiền giả! Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-la-mật, tịnh trừ các dục, diệt bỏ các pháp ác bất thiện, thuận theo tưởng hữu hành mà trụ tịch nhiên, chỉ còn sự an ổn, có thể thành tựu tầng thiền thứ nhất. Đã lìa dục, không có các ác, dứt bỏ các tưởng có thể nghĩ đến, tịch nhiên an ổn, có thể thành tựu tầng thiền thứ hai. Dứt bỏ các tưởng, không nghĩ không tưởng mà tâm tự tu như lời dạy của Thánh hiền, chẳng trái với sự minh đạt, được vui vẻ an ổn, thì liền đắc tầng thiền thứ ba. Dứt an, bỏ khổ, đối với các việc thiện ác đã tiếp xúc, vừa ý, hoặc không vừa ý, cũng không khổ không vui mà an trú tịch nhiên, được vui vẻ, an ổn thì liền thành tựu tầng Thiền thứ tư.

Hành, bốn Đẳng tâm, tâm Từ luôn thương yêu không oán, không kết, cũng không điên đảo, rộng lớn vô cùng, tốt lành vô lượng, chỗ tâm hành trong khắp các thế gian, đều không rời nó. Tâm Bi, Hỷ, Hộ (xả) cũng giống Như thế. Tâm Xả thường có mặt, không oán không kết, cũng không điên đảo, rộng lớn vô biên, tốt lành vô lượng, chỗ tâm hành trong khắp các thế gian đều không rời nó. Đó là thiền tư của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát dùng thiền tư này hành bốn Đẳng tâm, dùng điều tốt đẹp này hành định Tam-muội. Sau khi hành pháp này rồi, dùng để khuyến trợ trí Nhất thiết. Đó là sáu pháp Ba-la-mật của Đại Bồ-tát mà Thí ba-la-mật là gốc, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, tất cả đều Như thế. Đó gọi là trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát cùng với tâm Từ rộng lớn cùng khắp nhưng không có hai, không có ranh giới, không có ràng buộc mà cũng không ở tại một chỗ. Tin thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư cũng giống Như thế, cho đến ở dưới không ranh giới, trên không giới hạn, tám phương trên dưới không đâu là chẳng khắp, đầy đủ bốn Thiền. Đó là Tam-muội của Đại Bồ-tát. Giả sử Đại Bồ-tát tôn sùng tâm ấy ở trí Nhất thiết, hành thiền thứ nhất để cứu độ tất cả chúng sinh, thì khuyến trợ họ đắc các thông tuệ. Đại Bồ-tát ấy đầy đủ trí Nhất thiết mà phát tâm tuệ rồi mới dùng phương tiện diến bày thông suốt ý nghĩa, vì người nói kinh. Đó là Thí ba-la-mật của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Đại Bồ-tát, tâm đạt đến trí Nhất thiết, tư duy tu theo thiền thứ nhất. Giả sử có thể trụ ở thiền thứ nhất thì lại chẳng tin ưa phát tâm nào khác, chẳng theo tâm Thanh văn, Bích-chi-phật. Đó là Đại Bồ-tát chẳng phạm Giới ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát, tâm chí đặt ở trí nhất thiết, tuân tu tư duy, liền tự phát sinh ý nghĩa khiếncho tất cả loài chúng sinh diệt trừ khổ cực, vì họ thuyết kinh pháp, tùy theo tâm niệm ưa thích của họ, quán căn nguyên của họ để khai hóa. Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát, tâm tu theo trí Nhất thiết, khuyến trợ tất cả gốc công đức, đối với các thông tuệ chẳng thấy chỗ hướng tới của tinh tấn. Đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát, tâm tu theo trí Nhất thiết, từ thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư lại quán sát vô thường, khổ, không, vô ngã, Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đó là Đại Bồ-tát hành Thiền ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát, tâm tôn sùng trí Nhất thiết, quán tất cả pháp giống như huyễn hóa, không có ba cõi mà vì người thuyết kinh thì đó là Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát tạo lập tất cả bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo. Lại tạo lập đầy đủ tất cả Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Vô nguyện, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát chẳng bảo là không cầu hai địa này là địa Thanh văn và địa Bích-chi-phật, tâm chỉ ưa trí Nhất thiết. Đại Bồ-tát ấy hành không phóng dật, thực hiện bốn Đẳng tâm, thành tựu Nhẫn ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát, tâm tu theo và tự hưng phát trí tuệ thương yêu tất cả, việc làm vô hạn, không gì phá hoại. Đó là Đại Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật.

Giả sử Đại Bồ-tát đối với bốn Vô đẳng tâm mà hành thiền định, chẳng do thiền định và bốn Đẳng tâm mà có điều quên mất, thì đó là Đại Bồ-tát hành bốn Đẳng tâm không phóng dật có phương tiện thiện xảo.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Tam-muội Từ tâm: “Ta nên cứu hộ tất cả chúng sinh”, liền tu theo Tam-muội Bi, thương xót chúng sinh thực hiện lòng bi thuận theo hướng này. Thực hiện Tam-muội Hỷ: “Ta sẽ độ thoát các loài chúng sinh”, dần dần tiến tới Tam-muội Hộ (xả) giúp cho chúng sinh đạt đến lậu tận. Đó là Đại Bồ-tát hành bốn Đẳng tâm không có phóng dật có Thí ba-la-mật. Giả sử thiền tư không phóng dật hành bốn Đẳng tâm, duyên vào điềm lành, không dùng để khuyến khích hỗ trợ địa Thanh văn, Bích-chi-phật, mà thuận theo tuệ thương yêu tất cả. Đó là Đại Bồ-tát hành bốn Đẳng tâm, không trái phạm Giới ba-la-mật.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát hiểu rõ pháp nội không chẳng rơi vào điên đảo, cũng không cầu gì, chẳng có sở đắc về khổ vui, thiện ác, có sở hữu cái không tự nhiên. Đối với các thông tuệ, cũng không sở đắc, không có trong, ngoài, chẳng có trung gian. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không có loạn, cũng không có tuệ Tam-muội. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát luôn có chí hướng Đại thừa, trí tuệ của họ tự do, trí tuệ ấy chẳng trụ tại thường, chẳng trụ tại vô thường, chẳng chấp khổ hay chẳng khổ, vui hay chẳng vui, điều ấy chẳng do trí tuệ trụ ở ngã sở hay chẳng phải ngã sở. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát vì không sở đắc nên chẳng rơi vào điên đảo.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát, trí tuệ của họ tự do chẳng ở tại quá khứ, chẳng ở tại vị lai, chẳng ở tại hiện tại, chẳng ở tại ba đời, không có chỗ của trí tuệ. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát thường không sở đắc, chẳng rơi vào điên đảo.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát, trí tuệ của họ chẳng buộc ràng vào cõi Dục, chẳng buộc ràng vào cõi Sắc, chẳng buộc ràng vào cõi Vô sắc mà là trí tuệ tự tại, biết hết cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc một cách tự tại, cũng không sở đắc, cũng chẳng rơi vào điên đảo. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, thưa Hiền giả Xá-lợi-phất! Pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát, trí tuệ tự tại, chẳng đồng trí tuệ thế gian, cũng chẳng chìm trong trí tuệ thế gian, chẳng ở tại hữu vi, chẳng ở tại vô vi, chẳng ở tại hữu lậu, chẳng ở tại vô lậu. Pháp tuệ này tự do, biết hết trí tuệ thế tục, trí tuệ vượt thế tục, chẳng phải chẳng biết. Biết hết pháp hữu vi, vô vi, chẳng phải chẳng biết, cũng không sở đắc, chẳng rơi vào điên đảo. Đó là pháp Đại thừa của Đại Bồ-tát.

KINH QUANG TÁN

 

[ TRANG CHỦ KINH ĐIỂN | ĐẠI TẠNG KINH | THẦN CHÚ | HÌNH ẢNH | LIÊN LẠC ]

 

 

google-site-verification=Iz-GZ95MYH-GJvh3OcJbtL1jFXP5nYmuItnb9Q24Bk0